Nghệ An khuyến khích đặt lại tên xã, phường theo địa danh lịch sử, văn hóa - Vì sao?
Trong bối cảnh cả nước đang triển khai việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội, việc lựa chọn tên gọi cho các đơn vị hành chính mới được sáp nhập trở thành một vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận nhân dân.
Sáng nay 29/4, Ban Chỉ đạo sắp xếp
đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Nghệ An đã họp và có chủ trương khuyến khích các
địa phương xem xét lại việc đặt tên đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp không
sử dụng tên đơn vị cấp huyện gắn với số thứ tự. Với đặc thù là vùng đất có bề
dày văn hóa, lịch sử và truyền thống cách mạng, tỉnh Nghệ An kịp thời đưa ra chủ
trương này là phù hợp với tinh thần chung của nhiều địa phương trong cả nước và
nguyện vọng của nhân dân.
Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành
chính cấp xã tỉnh Nghệ An đã họp sáng ngày 29/4/2025
Phù hợp với xu thế
chung của cả nước
Xu thế đặt tên các đơn vị hành
chính mới theo hướng tôn vinh lịch sử, văn hóa địa phương đang được nhiều tỉnh,
thành trên cả nước áp dụng. Cách làm này không chỉ góp phần khơi dậy lòng tự
hào dân tộc mà còn hạn chế được tình trạng trùng lặp, đơn điệu trong tên gọi –
điều thường gặp khi dùng tên huyện kèm theo số thứ tự. Theo chỉ đạo của Ban Chỉ
đạo tỉnh Nghệ An, việc đặt tên theo số không còn phù hợp với tinh thần đổi mới
và phát huy bản sắc địa phương.
Gìn giữ và phát huy
giá trị văn hóa – lịch sử của địa phương
Nghệ An là vùng đất có hàng ngàn
năm lịch sử, nơi sinh ra nhiều danh nhân, anh hùng dân tộc, là quê hương của Chủ
tịch Hồ Chí Minh. Việc đặt tên xã, phường theo các địa danh truyền thống, tên
làng xưa, tên gọi gắn với sự kiện lịch sử hoặc danh nhân tiêu biểu… sẽ góp phần
gìn giữ bản sắc văn hóa và nâng cao giá trị tinh thần cách mạng cho người dân.
Đây cũng là cách để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống quê hương và lòng tự
hào dân tộc.
Tạo sự gắn kết và đồng
thuận trong nhân dân
Sau khi sáp nhập, nhiều địa
phương có sự xáo trộn về địa danh và ranh giới hành chính, dẫn đến việc người
dân khó nhận diện “tên mới” nếu chỉ dùng tên số. Khi sử dụng lại những địa danh
cũ quen thuộc, gần gũi hoặc những cái tên gắn với truyền thống và văn hóa, người
dân sẽ dễ tiếp nhận hơn, cảm thấy gắn bó và tự hào với nơi mình sinh sống. Đây
là yếu tố quan trọng trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và xây dựng
chính quyền gần dân, vì dân.
Thuận tiện trong quản
lý hành chính và phát triển kinh tế – xã hội
Những tên gọi rõ ràng, có nguồn gốc
lịch sử hoặc mang ý nghĩa cụ thể sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước hiệu quả
hơn, thuận lợi trong việc phân định địa giới, quy hoạch phát triển và thu hút đầu
tư. Những địa danh có giá trị văn hóa – lịch sử còn có thể được khai thác phục
vụ phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Dễ định hình vị trí địa
lý – lịch sử
Khi sử dụng các địa danh truyền
thống để đặt tên xã, phường, người dân và du khách có thể dễ dàng hình dung và
xác định vị trí của địa phương trên bản đồ hoặc trong dòng chảy lịch sử. Những
tên gọi này thường gắn liền với đặc điểm địa lý tự nhiên, vùng miền hoặc các sự
kiện, nhân vật lịch sử, từ đó giúp tăng tính nhận diện và giá trị giáo dục cho
thế hệ sau.
Việc Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị
hành chính cấp xã tỉnh Nghệ An vừa có chủ trương khuyến khích đặt lại tên đơn vị
hành chính cấp xã, phường theo tên địa danh lịch sử, văn hóa thay cho tên gắn số
thứ tự là hoàn toàn phù hợp với xu thế cả nước và phản ánh đúng tinh thần tôn
vinh bản sắc văn hóa dân tộc. Đây không chỉ là sự điều chỉnh về mặt hành chính
mà còn là một bước đi mang tính nhân văn, góp phần củng cố niềm tự hào và sự gắn
bó của người dân với quê hương.
Vinh Sơn
Nguồn: ngheanthoibao.com