Ngay sau phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII vào chiều ngày 12/4, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương và người đứng đầu triển khai ngay 7 công việc

Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII chính thức khai mạc vào sáng 10/4 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
1. Chủ động, tích cực làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, vận động,
định hướng tư tưởng trong cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức của mình cũng
như tham gia định hướng dư luận xã hội, bảo đảm sự đoàn kết, đồng thuận, thống
nhất cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các
tầng lớp nhân dân đối với các chủ trương lớn của Đảng.
2. Tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ thực hiện sắp xếp,
tinh gọn tổ chức bộ máy theo các Đề án, kế hoạch đã được Trung ương thông qua.
3. Chủ động các nhiệm vụ về sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên
chức, bảo đảm giữ chân người tài, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với
người bị tác động, ảnh hưởng; chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi cao
nhất cho sắp xếp; chủ động phương án quản lý, sử dụng, xử lý tài sản, trụ sở
làm việc, nhà ở công vụ, tuyệt đối không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
4. Bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức trước, trong và sau sắp xếp hoạt động
liên tục, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, không để gián đoạn công
việc, không bỏ trống nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến hoạt
động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức và Nhân dân.
5. Về tổ chức đại hội các cấp tại địa phương sáp
nhập, hợp nhất: Chúng ta tổ chức đại hội cấp xã, cấp tỉnh ngay sau khi sắp xếp
đơn vị hành chính. Vì vậy, cần lãnh đạo, chỉ đạo hết sức chặt chẽ để bảo đảm
Đại hội đúng quy định và thực chất, không hình thức. Bộ Chính trị sẽ ban hành
Chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 35 hướng dẫn cụ thể việc tổ chức Đại hội các cấp
theo tinh thần mới. Tôi lưu ý thêm 02 vấn đề là: (i) Về văn kiện: Cấp tỉnh phải
sớm bổ sung, hoàn thiện văn kiện Đại hội cấp mình trên cơ sở dự thảo Văn kiện
mới của Trung ương. Đối với các tỉnh có sáp nhập, hợp nhất thì các Ban thường
vụ phải bàn với nhau để xây dựng Văn kiện của Đại hội tỉnh mới. Phải trên tinh
thần "không gian phát triển mở rộng" của tỉnh mới để xây dựng văn
kiện. Không phải là cộng gộp cơ học các Văn kiện của tỉnh cũ thành Văn kiện của
tỉnh mới. Các xã sáp nhập cũng phải thực hiện theo tinh thần này. (ii) Về nhân
sự: Nhiều đồng chí băn khoăn vấn đề sắp xếp nhận sự khi sáp nhập, hợp nhất và
sắp xếp nhân sự Đại hội. Các cơ quan Trung ương sẽ có hướng dẫn cụ thể về tiêu
chí, tiêu chuẩn. Tôi đề nghị phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công
việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác. Ban Thường vụ cấp tỉnh (có sáp nhập,
hợp nhất) phải bàn kỹ với nhau về vấn đề này, tạo sự thống nhất cao trong thực
hiện, nhất là bố trí người đứng đầu các cơ quan sau khi sáp nhập. Những vấn đề
chưa thống nhất, đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư được phân cộng phụ trách địa
bàn sẽ hướng dẫn, chỉ đạo (các tỉnh cũng cần phân công các đồng chí cấp ủy tỉnh
hướng dẫn chỉ đạo Đại hội cấp xã).
6. Đảm bảo lộ trình và tiến độ, quy trình (nhất là quy trình lấy ý kiến cộng
đồng dân cư theo quy chế dân chủ cơ sở) về sửa đổi hành lang pháp lý, về thời
điểm kết thúc hoạt động của cấp huyện, sáp nhập xã, sắp xếp, sáp nhập tỉnh như
Nghị quyết đã được thông qua.
7. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm lớn trong năm 2025, trọng tâm là Lễ kỷ
niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; 135 năm ngày sinh Chủ
tịch Hồ Chí Minh; 80 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cùng với
các hoạt động kỷ niệm của từng địa phương.
(Ban Tuyên giáo và Dân vận Đảng ủy tổng hợp)