image banner
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Thủ tướng Chính phủ: Bổ sung nhiều quan điểm, mục tiêu mới và các giải pháp, nhiệm vụ mang tính đột phá, mạnh mẽ hơn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt những điểm mới trong các dự thảo báo cáo, dự thảo văn kiện với các quan điểm, mục tiêu mới và các giải pháp, nhiệm vụ mang tính đột phá, mạnh mẽ hơn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Sáng 16/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

 

Tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã truyền đạt chuyên đề "Về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị; những điểm mới trong dự thảo báo cáo 05 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 05 năm 2026-2030".

 

Anh-tin-bai

Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ truyền đạt chuyên đề về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng. Ảnh: Phạm Bằng

 

Bổ sung giải pháp, nhiệm vụ mang tính đột phá, mạnh mẽ hơn

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong thời gian gần đây, bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề mới phát sinh; ở trong nước, Đảng ta đã ban hành và lãnh đạo thực hiện nhiều chủ trương, quyết sách mới, quan trọng, mang tính lịch sử.

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ Chính trị đã giao các Tiểu ban của Đại hội XIV bổ sung, cập nhật, hoàn thiện dự thảo các văn kiện với các quan điểm, mục tiêu mới và các giải pháp, nhiệm vụ mang tính đột phá, mạnh mẽ hơn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

 

Nhấn mạnh những điểm mới trong dự thảo Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cho biết, báo cáo đã bổ sung bối cảnh mới, làm rõ hơn sự phát triển nhận thức lý luận đột phá về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Anh-tin-bai

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

 

Đồng thời, báo cáo bổ sung nội dung về những nhận thức mới trong ứng dụng các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

 

Từ thực tiễn 40 năm đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, báo cáo rút ra được 5 bài học kinh nghiệm mang tầm lý luận về đường lối đổi mới.

 

Làm rõ những điểm mới trong dự thảo Báo cáo Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Trung ương thống nhất chủ đề Đại hội XIV là: “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030; tự cường, tự tin, tiến mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc vì hoà bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

 

Anh-tin-bai

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

 

Báo cáo cũng đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, trong đó nhấn mạnh bối cảnh tình hình; những kết quả nổi bật; bài học kinh nghiệm; quan điểm, mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn tới và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

 

Trong quan điểm chỉ đạo xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn tới, báo cáo bổ sung, nhấn mạnh quan điểm bảo đảm phát triển để ổn định và ổn định để phát triển nhanh, bền vững đất nước.

 

Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nhanh, bền vững; tháo gỡ kịp thời, dứt điểm các điểm nghẽn, nút thắt; khơi thông và giải phóng mọi nguồn lực, phát huy mọi động lực. Đột phá mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; thu hút, trọng dụng nhân tài, đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất mới.

 

Anh-tin-bai

Các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

 

Về mục tiêu phát triển, bổ sung, nhấn mạnh các nội hàm: Giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; Phát triển nhanh, bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tự cường, tự tin, tiến mạnh trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc; cải thiện và nâng cao toàn diện đời sống nhân dân.

 

Về các chỉ tiêu chủ yếu 5 năm 2026 - 2030, rà soát, điều chỉnh một số chỉ tiêu, trong đó phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân cho giai đoạn 2026 - 2030 từ 10%/năm trở lên.

 

GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 8.500 USD; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 8,5%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 40% GDP.

 

Trong dự thảo Báo cáo Chính trị nêu 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó một số nội dung mới quan trọng được bổ sung về hoàn thiện thể chế phát triển; cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

 

Phát triển mạnh mẽ, toàn diện văn hoá và con người Việt Nam; xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại; đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Quản lý phát triển xã hội bền vững; bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu; đối ngoại và hội nhập quốc tế; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Anh-tin-bai

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

 

Về nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã bổ sung, nhấn mạnh các nội dung: Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất mới.

 

Đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế; xác lập mô hình tăng trưởng mới lấy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chủ yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, xây dựng xã hội số.

 

Về đột phá chiến lược, bổ sung, nhấn mạnh các nội dung: Đột phá mạnh mẽ về thể chế phát triển, khơi thông, giải phóng mọi nguồn lực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý, quản trị phát triển giữa Trung ương và địa phương, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương.

 

Đẩy mạnh chuyển đổi số; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh thu hút và trọng dụng nhân tài.

 

Anh-tin-bai

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

 

Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị thực sự tiêu biểu, nhất là những người đứng đầu.

 

Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2026-2030 bình quân đạt 10%/năm trở lên

 

Trình bày những điểm mới trong dự thảo Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026-2030, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, bổ sung, nhấn mạnh các nội dung trong 2 năm cuối nhiệm kỳ tập trung chỉ đạo quyết liệt, ban hành nhiều quyết sách, tạo được nhiều dấu ấn mang tính lịch sử, nhất là thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh; thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

 

Thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng kéo dài; đẩy nhanh xây dựng, triển khai hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, điện hạt nhân. Nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng và thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân.

 

Thực hiện miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông công lập; tập trung hoàn thành mục tiêu cơ bản xoá nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025; quan tâm đầu tư phát triển nhà ở xã hội, tích cực thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; thành lập “Quỹ nhà ở xã hội quốc gia”. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 7,09%, dự kiến năm 2025 đạt 8% trở lên, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới.

 

Anh-tin-bai

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

 

Bổ sung quan điểm phát triển hài hòa các loại hình kinh tế; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Bổ sung mục tiêu trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao. Về chỉ tiêu cụ thể, xác định rõ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2026-2030 bình quân đạt 10%/năm trở lên.

 

Dự thảo báo cáo đưa ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về hoàn thiện thể chế, huy động nguồn lực; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới.

 

Về phát triển kinh tế tư nhân; đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, và chuyển đổi số; xây dựng nền giáo dục quốc dân, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển vùng, địa phương, đô thị, nông thôn.

 

Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, đối ngoại và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

 

Anh-tin-bai

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

 

Công tác xây dựng Đảng đặt ở vị trí “then chốt”

 

Về những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Trung ương thống nhất bổ sung đánh giá, nhấn mạnh một số kết quả nổi bật: Công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng đã thật sự đặt ở vị trí “then chốt”.

 

Kết quả cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị mang tính lịch sử vừa qua cho thấy đây là chủ trương rất đúng, rất trúng, có đầy đủ căn cứ, cơ sở khoa học, chính trị, pháp lý và thực tiễn được cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận quốc tế đồng tình và đánh giá cao.

 

Trong thời kỳ mới, với những yêu cầu mới rất cao, cần đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, xác định sứ mệnh chính trị của Đảng lãnh đạo đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới.

 

Ban Chấp hành Trung ương thống nhất 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện trong nhiệm kỳ Đại hội XIV; trong đó cập nhật, bổ sung nội dung các nhiệm vụ nhằm cụ thể hóa những định hướng quan trọng của Trung ương.

 

Anh-tin-bai

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

 

Ban Chấp hành Trung ương thống nhất 3 giải pháp đột phá để thực hiện trong nhiệm kỳ Đại hội XIV, trong đó cập nhật, bổ sung nội dung: Nâng cao năng lực tự đổi mới, tự hoàn thiện để tăng cường hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân; Triển khai hoạt động có hiệu quả tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo mô hình mới, bảo đảm vận hành thông suốt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

 

Ban Chấp hành Trung ương thống nhất báo cáo Đại hội XIV cho phép Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu tổng kết thực tiễn để đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng, Cương lĩnh Chính trị xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trình Đại hội XV của Đảng vào dịp 100 năm thành lập Đảng ta (1930-2030).

Phạm Bằng

Nguồn: baonghean.vn (16/4/2025)