Toàn văn bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11, khoá XIII
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu
Trung ương _Ảnh: TTXVN
Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước,
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cấp ủy đảng Trung ương và các địa phương,
Thưa các đồng chí tham dự hội nghị tại các điểm cầu toàn quốc,
Thưa các đồng chí, đồng bào,
Hôm nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư
triệu tập Hội nghị toàn quốc để kịp thời quán triệt, triển khai thực hiện những
chủ trương, quyết sách quan trọng vừa được Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khoá XIII thông qua. Hội nghị được tổ chức với hình thức trực
tiếp, kết hợp với trực tuyến tới cấp xã và truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam cho thấy tầm quan trọng của
các nội dung cần quán triệt cũng như quy mô, phạm vi tác động ảnh hưởng của các
nội dung này. Đây cũng là những nội dung đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân
đang rất quan tâm theo dõi, mong muốn sớm được triển khai thực hiện.
Thưa các đồng chí,
Tại Hội nghị Trung ương 11 khoá
XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã làm việc với tinh thần rất khẩn trương,
nghiêm túc, trách nhiệm, thảo luận hết sức dân chủ, lắng nghe, trao đổi thẳng
thắn nhiều vấn đề mới, hệ trọng và thống nhất rất cao những nội dung lớn, cốt
lõi. Có thể nói, đây là hội nghị mang tính lịch sử, quyết sách những vấn đề rất
quan trọng, đột phá của giai đoạn cách mạng mới, tạo ra khí thế mới, xung lực mới
cho sự nghiệp đổi mới toàn diện, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Trên cơ sở thống nhất tuyệt đối, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW,
ngày 12-4-2025, với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng, tập trung là 2 nhóm vấn
đề tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính,
tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng.
Những nội dung này có liên quan chặt chẽ với nhau và đều là những vấn đề trọng
tâm, cấp bách mà chúng ta phải tập trung thực hiện ngay sau hội nghị này đến hết
năm 2025.
Các đồng chí đã được nghe đồng
chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đồng chí Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh
Mẫn và đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trực tiếp quán triệt
3 chuyên đề là những nội dung cốt lõi của Hội nghị Trung ương 11 và các văn bản
triển khai thực hiện, nhất là Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 14-4-2025, của Bộ Chính
trị thay thế Chỉ thị số 35-CT/TW về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại
hội XIV của Đảng; Kết luận số 150-KL/TW của Bộ Chính trị về hướng dẫn xây dựng
nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới;
Kế hoạch số 47-KH/BCĐ của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số
18-NQ/TW về phân công trách nhiệm triển khai thực hiện với 121 nhóm công việc gắn
với thời gian phải hoàn thành được tính theo từng ngày.
Cùng với quán triệt trực tiếp tại
hội nghị, các văn bản này cùng các hướng dẫn khác đã - đang và sẽ được gửi đến
các bộ, ngành, địa phương sớm nhất để triển khai thực hiện (về cơ bản trong
tháng 4-2025 sẽ ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn). Cũng trong tuần
này, dự thảo đầy đủ 4 văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng sẽ được gửi đến các đồng
chí để tham gia ý kiến và làm căn cứ xây dựng văn kiện của cấp mình. Bộ Chính
trị đã có Quyết định số 284-QĐ/TW, ngày 12-4-2025, phân công 19 đồng chí Ủy
viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư phụ trách các địa phương để theo dõi, đôn
đốc, hướng dẫn, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đồng chí
trong quá trình triển khai.
Như vậy, về cơ bản, chủ trương đã
rõ, phương án, kế hoạch, lộ trình triển khai đã cụ thể. Đây là điểm mới trong tổ
chức quán triệt, triển khai các nghị quyết của Đảng theo hướng rõ người, rõ việc,
rõ cách làm, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành, sau hội nghị là bắt tay
thực hiện được ngay.
Sau hội nghị quán triệt hôm nay,
tôi cho rằng, các đồng chí đã xác định được những công việc cần làm trong thời
gian tới tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Từng cán bộ, đảng viên dự hội
nghị cũng đã hình dung ra được trách nhiệm cá nhân trong “cuộc cách mạng”
chung của đất nước. Sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm
tiếp tục nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, thấu đáo, kỹ lưỡng các nội dung của nghị
quyết và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để thực hiện. Trước
yêu cầu cùng lúc phải triển khai một khối lượng công việc rất lớn, phạm vi rộng,
thời gian ngắn, chất lượng cao, nhiều việc chưa có tiền lệ như vậy, tôi nhấn mạnh
thêm 3 yêu cầu chung và 4 lưu ý để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức
thực hiện như sau:
Ba yêu cầu chung là:
(1) Phải xác định
quyết tâm chính trị cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội
nghị Trung ương 11, xác định đây là một “cuộc cách mạng” về sắp xếp bộ
máy tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách, đổi mới để phát triển đất
nước. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp phải sâu sát, quyết liệt
trong lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đầy
đủ, sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của chủ trương này, tạo được sự thống nhất
nhận thức, tư tưởng trong toàn Đảng và lan toả ra toàn xã hội, quyết tâm thực
hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng mà Trung ương đã đề ra. Tập trung lãnh
đạo, chỉ đạo các cơ quan triển khai quyết liệt các công việc trên tinh thần “đúng
vai, thuộc bài”, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ từ Trung ương đến
các địa phương và giữa các địa phương với nhau, không được có tư tưởng “quyền
anh, quyền tôi”, địa phương này, địa phương kia, tất cả vì lợi ích chung của
đất nước, vì nhân dân.
(2) Triển khai
các công việc trên tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, nhưng phải thận trọng,
chắc chắn, bài bản, không nóng vội, chủ quan; có thứ tự ưu tiên, làm việc nào
chắc việc đó, làm việc này phải tính đến việc khác liên quan, và phải thực hiện
đúng các quy trình thủ tục theo quy định, không làm tắt, làm ẩu, làm qua loa đại
khái bất cứ công việc nào. Bám sát các mốc thời gian trong kế hoạch, bảo đảm
các công việc được thực hiện đúng tiến độ thời gian quy định, nhất là các mốc
thời gian quan trọng, như: Trước ngày 30-6-2025, phải hoàn thành sửa đổi Hiến
pháp và pháp luật có liên quan; bắt đầu kết thúc hoạt động của đơn vị hành
chính cấp huyện, cấp xã mới đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2025 theo lộ trình
chuyển tiếp và hoàn thành toàn bộ trước ngày 15-8-2025; hoàn thành sáp nhập các
tỉnh trước ngày 1-9-2025; hoàn thành đại hội đảng tại cấp xã trước ngày
31-8-2025; hoàn thành đại hội cấp tỉnh trước ngày 31-10-2025; Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XIV của Đảng vào đầu quý I-2026; bầu cử đại biểu Quốc hội và
hội đồng nhân dân các cấp vào tháng 3-2026. Căn cứ lộ trình nêu trên, khuyến
khích các địa phương, cơ quan, đơn vị hoàn thành sớm các công việc trước mốc thời
gian quy định trên tinh thần “ổn định sớm để phát triển”.
(3) Tăng cường
thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy đầy đủ quyền
làm chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, các quy trình,
thủ tục lấy ý kiến nhân dân phải được thực hiện theo đúng quy định, nhất là những
nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, sáp nhập các tỉnh, sáp nhập
các xã. Vận động, tuyên truyền trong nhân dân, chịu sự giám sát, đóng góp của
nhân dân, tạo sự đồng tình, hưởng ứng triển khai thực hiện của nhân dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên
lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự hội nghị _Ảnh: TTXVN
Bốn vấn đề cần lưu ý là:
Một là, về thực hiện chủ
trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa
phương 2 cấp. Đây là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược
phát triển đất nước lâu dài; Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban
Bí thư đã thảo luận đánh giá kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt để đi đến thống nhất
cao về thực hiện chủ trương này với nguyên tắc, tiêu chí thực hiện việc sắp xếp
các đơn vị hành chính cấp tỉnh, xác định tên gọi và địa điểm đặt trung tâm
chính trị - hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp; các tiêu chí, tiêu chuẩn và định
hướng sắp xếp cấp xã như đã thông báo với các đồng chí. Triển khai thực hiện chủ
trương này sẽ tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và
nhân dân - Đây là điều dễ hiểu bởi mỗi con người Việt Nam chúng ta đều in sâu
trong ký ức những hình ảnh về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tuy
nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, chúng ta phải thay đổi về tư
duy, tầm nhìn; thống nhất về nhận thức, tư tưởng; phải vượt lên chính mình, hy
sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước; vượt qua những băn khoăn,
lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường; vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng
miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn - “đất nước là quê hương”.
Nội dung các hướng dẫn đã đầy đủ,
tôi nhấn mạnh thêm 3 vấn đề cần tiếp tục quán triệt sâu sắc là: (1) Tinh
gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp
nhập xã không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành
chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công,
phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển. Là cơ hội để chúng ta sàng lọc, sắp
xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong
giai đoạn mới. (2) Tinh thần thực hiện phải quyết liệt,
khẩn trương, “vừa chạy vừa xếp hàng”, “không được để gián đoạn công
việc”, “bộ máy mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn bộ máy cũ”; lộ
trình thực hiện phải bài bản, khoa học, bảo đảm đúng Điều lệ Đảng, quy định,
nguyên tắc, định hướng chỉ đạo của Trung ương; mạnh mẽ, triệt để, khoa học,
nhân văn, bảo đảm tầm nhìn xa, bảo đảm hình thành và mở rộng không gian phát
triển kinh tế, xã hội, văn hoá phù hợp cho phát triển đất nước. (3) Chính
quyền địa phương sau sắp xếp phải bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần
dân, sát dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các
mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững; tạo thế và lực mới cho nhiệm vụ bảo đảm
quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tạo đà và động lực cho phát triển kinh tế; đẩy
mạnh phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số;
chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Trong quá trình thực hiện chủ
trương này, các địa phương phải hết sức chủ động và trách nhiệm trong việc xây
dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường; bởi các đồng chí là những
người am hiểu địa bàn hơn ai hết. Căn cứ các tiêu chí, tiêu chuẩn và định hướng
số lượng giảm khoảng 60 - 70% của Trung ương, các địa phương chủ động nghiên cứu
để có phương án sắp xếp cụ thể cho phù hợp với địa bàn, mục tiêu cao nhất là
xây dựng chính quyền cấp xã tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, chủ
động hướng về nhân dân để phục vụ tốt hơn. Cần lưu ý khắc phục cả 2 khuynh hướng: (1) Sáp
nhập các xã, phường quá rộng như một “cấp huyện thu nhỏ” dẫn đến không
quán xuyến được địa bàn, không chủ động phục vụ được nhân dân, dẫn đến biến chủ
trương không tổ chức cấp huyện thành không tổ chức cấp xã. (2) Sáp
nhập các xã, phường quá nhỏ, dẫn đến hạn chế về không gian, dư địa phát triển,
đầu mối nhiều hơn dẫn đến cồng kềnh, kém hiệu quả. Đây là những vấn đề tôi đề
nghị ban thường vụ các tỉnh phải bàn bạc, tính toán rất kỹ, trên tinh thần tầm
nhìn lâu dài, vì nước, vì dân để có phương án bố trí, sắp xếp hợp lý nhất.
Trên cơ sở mô hình chính quyền địa
phương hai cấp, các cơ quan Trung ương và địa phương cần sớm rà soát, ban hành
cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, các vấn đề có tính chất liên vùng,
liên cơ sở, bảo đảm thống nhất trên toàn quốc và từng địa phương. Nhất quán
nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”,
đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương về cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành cơ
chế, chính sách, lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư. Cấp cơ sở tổ
chức thực hiện chính sách (từ Trung ương và tỉnh), tập trung vào các nhiệm vụ
phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp
các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn. Chính quyền đặc
khu (hải đảo) được trao nhiều quyền tự chủ, bảo đảm linh hoạt, chủ động ứng phó
khi có sự kiện, tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra nhằm bảo vệ vững chắc độc lập,
chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Tất cả công việc này đều phải triển
khai cùng lúc, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, thông suốt, hiệu quả, không để việc
sắp xếp tổ chức bộ máy làm gián đoạn hoạt động của các cơ quan, hoạt động sản
xuất, kinh doanh và hoạt động thường ngày của người dân, doanh nghiệp.
Hai là, về công tác cán bộ. Diện
cán bộ thuộc phạm vi tác động, ảnh hưởng trong đợt sắp xếp này rất lớn. Chủ
trương chung của chúng ta là trước mắt cơ bản bố trí biên chế cán bộ, công chức,
viên chức (bao gồm các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể) cấp tỉnh, cấp huyện,
cấp xã như hiện có để bảo đảm ổn định; sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động sẽ
chỉ đạo rà soát, hoàn thiện vị trí việc làm, xác định biên chế của từng cấp
trong tổng thể biên chế chung của cả hệ thống chính trị. Tôi đề nghị các cấp ủy,
tổ chức đảng cần thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng
tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ và biên chế của hệ thống
chính trị. Phải hết sức công tâm, khách quan trong bố trí cán bộ; thực hiện đầy
đủ các quy định, hướng dẫn về công tác cán bộ bảo đảm công khai, minh bạch,
tăng cường kiểm soát quyền lực, gắn quyền lực với trách nhiệm cá nhân. Không để
xảy ra tình trạng mất đoàn kết, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền, cục bộ, bè
phái, tham nhũng, lãng phí trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, sắp xếp tổ chức
bộ máy và đơn vị hành chính các cấp.
Đặc biệt lưu ý làm tốt công tác lựa
chọn, bố trí lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp xã sau
khi sáp nhập. Phải tính toán đồng bộ, liên thông giữa cả 4 giai đoạn: Bố
trí cán bộ sau khi hợp nhất - Nhân sự đại hội đảng cấp tỉnh, cấp xã - Nhân sự Đại
hội XIV - Nhân sự bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Công tác
nhân sự đã rất quan trọng, nay lại càng quan trọng hơn trước yêu cầu mới. Như
tôi đã nói, tiêu chí đầu tiên để bố trí cán bộ là vì yêu cầu công việc, sau đó
mới đến các tiêu chí khác. Nhân sự lãnh đạo các cấp và nhân sự Đại hội XIV phải
hội tụ “đủ đức - đủ tài - đủ tâm - đủ tầm - đủ sức - đủ nhiệt huyết cách mạng”
để gánh vác trọng trách lịch sử của đất nước. Trong tình hình hiện nay, không
có chỗ cho những cán bộ cơ hội, bon chen, trung bình chủ nghĩa, lừng chừng, ngại
đổi mới, thu vén cá nhân. Những ai tự thấy mình không đáp ứng yêu cầu thì tự
nguyện rút lui, nhường chỗ cho người xứng đáng hơn - tự nguyện đứng về phía sau
vì sự phát triển cũng là hành động bản lĩnh, dũng cảm, đáng tự hào, đáng được
khen ngợi. Việc lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo các cơ quan ở địa phương sau
khi sáp nhập, hợp nhất là trách nhiệm của ban thường vụ cấp ủy theo phân cấp, đề
nghị các đồng chí phải bàn bạc, thống nhất để bố trí “đúng người, đúng việc”
theo tinh thần Kết luận số 150-KL/TW của Bộ Chính trị về hướng dẫn xây dựng
nhân sự cấp uỷ cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.
Ba là, về văn kiện đại hội
đảng các cấp. Dự thảo 4 văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng được
thông qua tại Hội nghị Trung ương 11 đã bổ sung nhiều nội dung rất quan trọng,
thể hiện tư duy, tầm nhìn mới trong phát triển đất nước, quyết tâm thực hiện 2
mục tiêu 100 năm (đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công
nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ
nghĩa phát triển, có thu nhập cao). Đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh
Chính đã quán triệt đầy đủ với các đồng chí những nội dung này, nhất là những vấn
đề cốt lõi như: “xác lập mô hình tăng trưởng mới”; “xây dựng nền giáo
dục quốc dân hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới”; “đột phá
phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”;
phát triển kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế
quốc gia”… Tôi nhấn mạnh thêm: Đây là những vấn đề rất lớn, rất chiến lược.
Sắp tới Trung ương sẽ bàn nhiều về mô hình tăng trưởng mới ở Việt Nam như thế
nào? Thế giới họ đi quá xa, họ đã có những nhà máy, bến cảng “không đèn”
(hoạt động bằng robot, trí tuệ nhân tạo, tự động hoàn toàn, không còn người
trực tiếp, làm được suốt ngày đêm, không giải lao, không ca kíp, không ngừng
nghỉ… chỉ tính riêng về thời gian thì năng suất đã tăng gấp 3 - 4 lần), nếu
ta không thay đổi thì khó có thể bắt kịp, nguy cơ tụt hậu là thấy rõ; hoặc vấn
đề chuẩn bị nguồn nhân lực cho giai đoạn tới như thế nào để có được nguồn nhân
lực đủ bản lĩnh, trí tuệ, sức khoẻ, tầm nhìn cho đất nước phát triển giai đoạn
tới? Nếu không lo ngay từ bây giờ thì khó có thể đạt được…
Đại hội đảng các cấp và Đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ XIV diễn ra trong bối cảnh đặc thù, khi chúng ta cùng lúc thực
hiện nhiều công việc lớn mang tính cách mạng. Vừa sắp xếp, tinh gọn về
tổ chức bộ máy - vừa sắp xếp lại đơn vị hành chính - vừa tăng tốc, bứt phá phát
triển kinh tế - vừa tổ chức đại hội. Vì vậy, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo
việc tổ chức đại hội bảo đảm chặt chẽ, bài bản theo đúng tinh thần Chỉ thị số
45-CT/TW của Bộ Chính trị, nhất là những địa phương mới sáp nhập, hợp nhất. Tôi
lưu ý cần coi trọng và tập trung nhiều hơn nữa cho công tác chuẩn bị văn kiện (một
số nơi đang có biểu hiện xem nhẹ vấn đề này, chủ yếu tập trung cho phương án
nhân sự). Các tỉnh ủy, thành ủy tập trung lãnh đạo tổ chức thảo luận thật kỹ
lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn
nêu tại dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng; khẩn trương xây dựng, hoàn
thiện dự thảo văn kiện của cấp mình, phải hoàn thành dự thảo trước ngày
30-6-2025 (bao gồm cả đối với các tỉnh sau khi sáp nhập). Như vậy là mặc dù
chưa sáp nhập chính thức nhưng các đồng chí đã phải tư duy, suy nghĩ để vạch ra
đường lối phát triển của tỉnh mới thành lập, xã mới thành lập dựa trên cơ sở
không gian, dư địa và nguồn lực mới. Đây là công việc rất quan trọng cần sự đầu
tư trí tuệ, công sức và sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương với nhau để thực
hiện tốt công việc này. Nghị quyết đại hội đảng các cấp từ chi bộ đến cấp ủy cấp
xã, tỉnh, ngành sau đại hội là có giá trị triển khai thực hiện ngay, không chờ
nghị quyết của cấp trên mới triển khai.
Bốn là, về
triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 cùng lúc với thực hiện các công việc
lớn quan trọng của đất nước. Chúng ta quán triệt, triển khai Nghị
quyết Hội nghị Trung ương 11 trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang có
những diễn biến hết sức phức tạp, nhất là “cuộc chiến thuế quan toàn cầu”
đặt ra nhiều thách thức mới, song cũng là cơ hội để chúng ta khẳng định mình.
Chúng ta đã và đang tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, nhất
là chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vừa qua với
nhiều thoả thuận hợp tác quan trọng; Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 diễn đàn Đối
tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) với 46 quốc gia và hơn 1.000
đại biểu quốc tế tham dự, những sự kiện này tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế
của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương và trên trường quốc tế. Cả nước đang tập
trung thực hiện cùng lúc nhiều công việc lớn, quan trọng, tập trung tăng tốc, bứt
phá phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở
lên trong năm 2025, tạo đà để tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tiếp theo;
tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học - công
nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; tiếp tục thực hiện Nghị quyết
số 59-NQ/TW về đẩy mạnh hội nhập quốc tế; sắp tới, Bộ Chính trị sẽ tiếp tục có
các nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, nghị quyết về phát triển giáo dục,
đào tạo… Tất cả các công việc này đều rất quan trọng và đều phải thực hiện theo
đúng mục tiêu yêu cầu đề ra, không vì sắp xếp tổ chức mà lơ là nhiệm vụ nào.
Các tỉnh ủy, thành ủy cần khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế mà 19
đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ ra, đặc biệt là khắc phục
tình trạng một bộ phận lãnh đạo, cán bộ có tâm lý chờ đợi, nghe ngóng sắp xếp tổ
chức nên hạn chế tính quyết liệt trong triển khai công việc… Trước mắt, tập
trung tổ chức tốt các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống
nhất đất nước; 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, khơi dậy khí thế
hào hùng của cả dân tộc năm xưa, biến thành động lực để thực hiện tốt những nhiệm
vụ quan trọng, cấp bách, mang tính cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân
ta đang ra sức thực hiện ngày hôm nay.
Thưa toàn thể các đồng chí,
Công việc phía trước rất bộn bề,
khẩn trương. Tôi đề nghị các đồng chí từ Trung ương đến cơ sở có mặt tại hội
nghị hôm nay phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân
dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất để hoàn thành các mục
tiêu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã
đề ra, chuẩn bị nền tảng vững chắc tiến tới Đại hội XIV của Đảng, đưa đất nước
vững vàng tiến vào kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc Việt
Nam.
Một lần nữa, chúc các đồng chí, đồng
bào sức khoẻ, hạnh phúc, thành công.
Xin trân trọng cảm ơn./.
BBT