Tầm vóc thời đại Chiến thắng 30/4/1975 với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Chiến thắng 30/4/1975 mãi đi vào
lịch sử dân tộc, là bản hùng ca bất diệt, khẳng định ý chí độc lập, tự chủ, tự
lực, tự cường và khát vọng hòa bình, biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của
chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam, tạo dấu ấn sâu sắc
trong lịch sử thế giới, là bước ngoặt quyết định đưa nước ta bước vào kỷ nguyên
độc lập, tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng thời, là minh chứng sinh động
về một đất nước có diện tích không rộng, người không đông, song với tinh thần
đoàn kết một lòng, dưới sự lãnh đạo của một Đảng chân chính cách mạng đã đánh bại
một cường quốc kinh tế, quân sự, đẩy lùi trận địa của chủ nghĩa đế quốc, mở rộng
trận địa của chủ nghĩa xã hội, phá vỡ một phòng tuyến quan trọng của đế quốc Mỹ
ở Đông Nam Á; làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng, tăng thêm sức mạnh
và thế tiến công của các trào lưu cách mạng thời đại, đem lại lòng tin và niềm
phấn khởi cho hàng trăm triệu người trên khắp trái đất đang đấu tranh vì hòa
bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Xe tăng quân Giải phóng tiến vào chiếm Dinh Độc Lập, trưa
30/4/1975. Ảnh: TTXVN
Tầm vóc thời đại của Chiến thắng
30/4/1975 có cội nguồn sâu xa từ nền văn hóa Việt Nam; trong đó, những giá trị
về tinh thần yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng và sự cố kết dân tộc luôn được
kế thừa, nhân lên tầm cao mới trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành và giữ
độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; lòng dũng cảm và tài năng sáng tạo của
con người Việt Nam với ý chí tự lực, tự cường được khơi dậy và phát huy, chuyển
hóa thành sức mạnh vô địch đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Tầm vóc thời đại của Chiến thắng
30/4/1975 bắt nguồn trực tiếp từ đường lối chính trị, quân sự, ngoại giao đúng
đắn của Đảng; từ sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức
mạnh thời đại dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng; từ truyền thống
yêu nước và tinh thần khát khao độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất Tổ quốc của
toàn thể dân tộc Việt Nam; từ bản lĩnh, ý chí của con người Việt Nam, luôn biết
kế thừa, phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông, không bao giờ
khuất phục trước kẻ thù xâm lược; từ đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam
tài tình, sáng tạo; từ sự ủng hộ quý báu của đồng chí, bạn bè, nhân dân tiến bộ
trên toàn thế giới. Đó là thắng lợi của đường lối giương cao ngọn cờ độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội-sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử cách mạng Việt
Nam từ khi có Đảng và là ngọn cờ bách chiến bách thắng của cách mạng Việt Nam.
Chiến thắng 30/4/1975 mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, là bản
lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Trong giai đoạn cách mạng mới, với
tinh thần và tầm vóc vĩ đại của Chiến thắng 30/4/1975, toàn Đảng, toàn dân và
toàn quân ta cần:
Một là, tiếp tục phát huy cao độ
vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên
vươn mình của dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình, xây dựng
và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó, lấy phát triển
kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa
là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường
xuyên. Với tư cách là một Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội,
sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của công cuộc
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vì vậy, Đảng chủ trương xây dựng,
chỉnh đốn Đảng gắn kết chặt chẽ với xây dựng hệ thống chính trị, Đảng và từng tổ
chức thành viên hệ thống chính trị luôn trong sạch, vững mạnh toàn diện. Các bộ
phận của hệ thống chính trị luôn được đổi mới; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ
công tác của từng tổ chức được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng
được yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát
triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhân dân Sài Gòn mừng ngày chiến thắng 30/4/1975. Ảnh tư
liệu
Để đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống
chính trị hiện đại, minh bạch, vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước
trong kỷ nguyên mới, Đảng chủ trương tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị
theo tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, tạo bước đột
phá tư duy lý luận và tổ chức thực tiễn về thể chế; về nâng cao hiệu lực, hiệu
quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tham
nhũng, khắc phục những nút thắt trong quản lý; xác định đúng các giải pháp,
hành động kiên quyết và hiệu quả trong cơ cấu tổ chức của cả hệ thống chính trị
“tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”; chuẩn bị cho “tầm nhìn trăm
năm” phát triển đất nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
trong giai đoạn cách mạng mới.
Hai là, không ngừng phát huy sức
mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, vận dụng sáng tạo tinh thần “thần tốc” của Chiến
thắng 30/4/1975 vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, tập
trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo lập những tiền đề, điều kiện vật chất cần
thiết cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng
bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo
môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực,
thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh
mẽ mô hình tăng trưởng.
Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết
số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về đột phá phát triển khoa học, công nghệ,
đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao
năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả
mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong chiến
lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực
kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong các vùng, miền,
địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể. Khơi
dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền
vững của đất nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các cán bộ chủ chốt họp bàn
phương án tác chiến tại Tổng hành dinh. Ảnh tư liệu
Ba là, phát triển con người toàn
diện, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng
cao gắn với xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo đó, văn hóa là nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực phát triển bền vững
kinh tế - xã hội; con người giữ vai trò trung tâm, mục tiêu và động lực phát
triển quan trọng nhất của đất nước.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc hiện nay, nhất là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc xây dựng,
hoàn thiện các giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam phải hướng đến sự
gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại, giữa
xây dựng những giá trị cốt lõi và hoàn thiện hệ giá trị văn hóa với sự phát triển
toàn diện về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, thể chất, tâm hồn của mỗi con người.
Phát triển văn hóa hướng tới hoàn
thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Bằng sự
gắn kết ấy mà các giá trị văn hóa, các phẩm chất con người Việt Nam trở thành sức
mạnh nội sinh bảo đảm cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc và sự phát triển bền vững của
đất nước.
Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa quốc
phòng, an ninh và đối ngoại, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc đáp ứng yêu
cầu tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng Quân đội
nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; xây dựng
lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp.
Tích cực triển khai thực hiện việc
đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với tăng cường
xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp theo các nghị quyết của Đảng. Từng
bước thể chế hóa, cụ thể hóa nhận thức, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng
về mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại thành luật pháp, chiến lược,
sách lược, quy hoạch, kế hoạch, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Vĩ tuyến 17 tại cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải. Ảnh
tư liệu
Hiện nay, đất nước ta đang bước
vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; tầm vóc thời đại và giá trị
lịch sử của Chiến thắng 30/4/1975 là động lực mạnh mẽ để toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân ta tiến hành công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, vững bước trên
con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phấn đấu đến
năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, hiện thực hóa
khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong kỷ nguyên mới của dân
tộc./.
Thượng tướng, PGS,
TS Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng,
Giám đốc Học viện Quốc
phòng
Nguồn: qdnd.vn