Phản bác luận điệu xuyên tạc chiến thắng vĩ đại của Việt Nam - Bài 1: Từ bài học sụp đổ Liên Xô đến chiến lược chống phá Việt Nam
Trong khi đó, các thế lực phản động
và cơ hội chính trị tăng cường các hoạt động tuyên truyền, chống phá. Chúng
tung ra luận điệu xuyên tạc bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của
quân và dân ta, thậm chí chúng cho rằng: “Mỹ không hề xâm lược Việt Nam”!?...
Những luận điệu, thủ đoạn nguy hiểm này phải được vạch trần, phản bác.
Một trong những mưu toan của
các thế lực phản động và cơ hội chính trị theo đuổi trong suốt các thập niên
qua là xuyên tạc và bác bỏ thành quả cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đó, chúng áp dụng một trong những
thủ đoạn chiến tranh thông tin hết sức nguy hiểm và thâm độc từng được Mỹ và
các nước phương Tây áp dụng thành công để thực hiện chiến lược “diễn
biến hoà bình” trong kỷ nguyên Chiến tranh lạnh. Đó là xuyên tạc vai
trò của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
"Vũ khí" phá hoại khủng
khiếp
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất,
các tập đoàn tài phiệt Mỹ quyết
định đầu tư toàn diện cho Đức Quốc xã để sử dụng lực lượng này tiến
hành “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” dưới hình thức Chiến tranh thế giới thứ hai nhằm
tiêu diệt Liên Xô. Sau khi nhận thấy Liên Xô hoàn toàn có khả năng đánh bại
phát xít Đức, Mỹ buộc phải nhảy vào tham chiến với vai trò là “đồng minh” với
Liên Xô để ngăn chặn Moscow giải phóng toàn bộ châu Âu. Chính vì thế, ngay sau
khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ và các đồng minh phương Tây ngay
lập tức phát động Chiến tranh lạnh nhằm làm tan rã Liên Xô. Do
đó, Chiến tranh lạnh còn được phương Tây gọi là chiến lược “không
đánh mà thắng”. Để thực hiện mục tiêu này, Mỹ đứng đầu phương Tây tiến
hành cuộc chiến tranh thông tin với nội dung cốt lõi là xuyên tạc vai trò của
Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai, coi Liên Xô là quốc gia “xâm lược
châu Âu” chứ không phải giải phóng châu Âu thoát khỏi hiểm họa của chủ nghĩa
phát xít Đức.

Niềm vui giải phóng của người dân Sài Gòn ngày 30-4-1975.
Ảnh tư liệu
Chiến dịch xuyên tạc vai trò của
Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai được Mỹ và phương Tây tiến
hành gia tăng quyết liệt trong những năm “cải tổ” ở Liên Xô (1985-1991). Núp dưới
chiêu bài “công khai hóa” để thực hiện “tư duy chính trị mới” của tập đoàn lãnh
đạo theo đuổi tư tưởng phản bội chủ nghĩa xã hội
do M.Gorbachev và A.Yakovlev đứng đầu, bộ máy truyền thông
do các thế lực phản động, cơ hội chính trị kiểm soát nhận được sự chỉ đạo và
tài trợ của Mỹ cùng các nước phương Tây thực hiện chiến dịch tuyên truyền
rầm rộ, công khai với cường độ cao chưa từng có để xuyên tạc vai trò của Liên
Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trực tiếp chỉ đạo chiến dịch xuyên tạc
này không ai khác mà chính là A.Yakovlev-điệp viên ảnh hưởng của Mỹ được M.Gorbachev giao
trọng trách Trưởng ban tuyên truyền của Đảng Cộng sản Liên Xô.
Mặc dù lịch sử đã ghi nhận bằng
các văn kiện có giá trị pháp lý quốc tế rằng Liên Xô đã hy sinh 27 triệu người
trong cuộc đấu tranh vô cùng anh dũng để giải phóng loài người khỏi ách thống
trị của phát xít Đức và quân phiệt Nhật, các thế lực phản động và cơ hội chính
trị tiến hành chiến dịch xuyên tạc rằng “Liên Xô xâm lược Châu Âu” trong Chiến
tranh thế giới thứ hai. Thậm chí chúng còn thêu dệt nên những câu chuyện
hoang đường rằng các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã có những hành động cướp phá
và hãm hiếp phụ nữ ở những khu vực vừa được giải phóng khỏi ách chiếm đóng của
phát xít Đức!? Đáng chú ý là chiến dịch xuyên tạc vai trò của Liên Xô trong Chiến
tranh thế giới thứ hai được kết hợp với những luận điệu xuyên tạc các giá trị của
chủ nghĩa xã hội nhằm làm tan rã Liên bang Xô viết theo chiến lược “không đánh
mà thắng”.
Về sau, các chuyên gia nghiên cứu
lịch sử, phân tích chính trị và quân sự của Nga rút ra kết luận: Chiến dịch
xuyên tạc vai trò của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai đóng vai trò
như một trong những nguyên nhân có ý nghĩa quyết định dẫn tới sụp đổ nhà nước
xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Họ cho rằng, cuộc chiến tranh thông
tin của Mỹ và các nước phương Tây đã làm được điều mà hàng trăm sư
đoàn tinh nhuệ của phát xít Đức không thể làm được trong Chiến tranh thế giới
thứ hai. Lịch sử Liên Xô bị chính những kẻ mang danh “các chuyên gia nghiên cứu”
và “các nhà lịch sử” xuyên tạc có tác dụng tàn phá còn mạnh hơn vũ khí nguyên tử!
Bị tác động của các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các lực lượng phản
động và cơ hội chính trị, nhiều người dân Xô viết, thậm chí cả một số cán bộ, đảng
viên bắt đầu hoang mang, hoài nghi vai trò lãnh đạo và chính sách đối ngoại hòa
bình của Đảng Cộng sản Liên Xô, hoài nghi các giá trị của chủ nghĩa
xã hội. Chính vì thế, ý chí của họ hoàn toàn bị tê liệt, không còn ý thức phản
kháng khi M.Gorbachev đưa ra tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản
Liên Xô và Liên bang Xô viết mặc dù tuyên bố đó vi phạm trắng trợn Hiến pháp
Liên Xô.
Ngày nay, mặc dù Liên Xô không
còn nữa, các thế lực phản động và cơ hội chính trị vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến
dịch tuyên truyền xuyên tạc lịch sử, coi Liên Xô là “quốc gia xâm lược Châu Âu”
để suy diễn ra Liên bang Nga - quốc gia được kế thừa vị thế của Liên Xô, cũng
là “quốc gia xâm lược”!? Tiếp sức cho luận điệu này, Nghị viện châu Âu thông
qua nghị quyết khẳng định Adolf Hitler - trùm phát xít và J.Stalin - Tổng Bí
thư Đảng Cộng sản Liên Xô đều có tội như nhau là gây ra Chiến
tranh thế giới thứ hai. Với luận điệu xuyên tạc này, tượng đài kỷ niệm các chiến
sĩ Hồng quân Liên Xô hy sinh trong Chiến tranh thế giới thứ hai ở nhiều nước
châu Âu đã bị đập phá.
Cùng với chiến dịch xuyên tạc
Liên Xô và Nga, các phần tử từng chiến đấu trong hàng ngũ phát xít Đức di tản
ra khỏi châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai và thế hệ con cháu của họ đã
quay trở lại nắm quyền trong bộ máy lãnh đạo của nhiều nước châu Âu, đánh dấu sự
phục hồi tư tưởng của chủ nghĩa phát xít. Đứng trước hiểm họa này, Liên bang
Nga đề xuất Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết chống phục hồi chủ
nghĩa phát xít. Nghị quyết này được tuyệt đại đa số quốc gia thành viên Liên hợp
quốc ủng hộ, trong đó có Việt Nam. Để bảo vệ ký ức lịch sử, Tổng thống Nga ban
hành sắc lệnh thành lập Ủy ban đặc biệt có nhiệm vụ chống lại các âm mưu xuyên
tạc lịch sử Liên Xô và chính sách đối ngoại hòa bình của Liên bang Nga.
Luận điệu xuyên tạc trắng trợn
Ở nước ta, kế thừa và phát huy
truyền thống cách mạng vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và
đế quốc Mỹ, Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong
công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng gần 40 năm qua dưới sự
lãnh đạo của Đảng, được đông đảo các quốc gia, bè bạn quốc tế ghi nhận. Trong
khi đó, các thế lực phản động và cơ hội chính trị vẫn tiếp tục sử dụng thủ đoạn
thâm độc xuyên tạc, phủ nhận sự thật đó. Mốc lịch sử Đại thắng mùa Xuân vào
ngày 30-4-1975 càng lùi xa, thủ đoạn của các thế lực phản động và cơ hội chính
trị xuyên tạc lịch sử càng nguy hiểm trong bối cảnh Việt Nam đã thiết lập quan
hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ-quốc gia từng tiến hành cuộc chiến tranh
xâm lược Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược
toàn diện với các đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến này như Nhật Bản, Hàn Quốc
và Australia.
Các thế lực phản động và cơ hội
chính trị tung ra những luận điệu xuyên tạc trắng trợn rằng “Mỹ không hề
xâm lược Việt Nam”, rằng “Mỹ chỉ tiến hành chiến tranh để
giúp Việt Nam tiếp cận nền văn minh”!? Thậm chí, chúng còn cho rằng ở Việt Nam
chỉ có “miền Bắc xâm lược miền Nam”. Vì thế, chúng coi ngày 30-4-1975 là “Ngày
quốc hận”! Bị tác động bởi các luận điệu xuyên tạc đó, một số người cho rằng
trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước “không
nên nói về người thắng, kẻ thua”. Lợi dụng việc Việt Nam thiết lập quan hệ đối
tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, các thế lực phản động và cơ hội chính trị
lu loa rằng việc Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ là “không cần thiết”
hoặc “hoàn toàn vô nghĩa”. Dư luận cần cảnh giác cao độ và kiên quyết phản bác
các luận điệu xuyên tạc nguy hiểm đó.
Theo Đại tá LÊ
THẾ MẪU (qdnd.vn)