image banner
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Luận điệu “tư nhân hóa đất đai” – công cụ chống phá của các thế lực thù địch và định hướng phản bác lý luận

Trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, các thế lực thù địch ngày càng gia tăng các thủ đoạn chống phá về tư tưởng, trong đó việc cổ súy “tư nhân hóa đất đai” được sử dụng như một mũi nhọn tấn công vào nền tảng sở hữu toàn dân – trụ cột của chế độ kinh tế ở Việt Nam. 

Dưới vỏ bọc cải cách thể chế, họ đề cao quyền sở hữu tuyệt đối của cá nhân nhằm từng bước vô hiệu hóa vai trò điều tiết của Nhà nước đối với đất đai. Đây là âm mưu nguy hiểm, không chỉ đe dọa ổn định chính trị – xã hội mà còn tiềm ẩn nguy cơ “phi chính trị hóa” vấn đề đất đai. Trong bối cảnh đó, công tác đấu tranh lý luận cần tập trung phản bác các quan điểm sai trái, lan tỏa nhận thức đúng đắn về sở hữu toàn dân về đất đai, và nâng cao năng lực phản biện của đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng.

Anh-tin-bai

 Các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc về chính sách đất đai ở Việt Nam.

CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA QUAN ĐIỂM SỞ HỮU TOÀN DÂN VỀ ĐẤT ĐAI THEO CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN VÀ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH 

Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam là kết quả của sự kế thừa và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời thể hiện sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào hoàn cảnh thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Để khẳng định tính khoa học, khách quan và phù hợp của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, cần luận giải trên nền tảng lý luận vững chắc, cả từ học thuyết xã hội chủ nghĩa lẫn thực tiễn đấu tranh cách mạng.

Phạm trù “sở hữu toàn dân về đất đai” không phải là sự sáng tạo đơn lẻ của Đảng ta, mà là kết quả của quá trình tiếp thu và phát triển trên cơ sở vận dụng sâu sắc những luận điểm lý luận và thực tiễn từ di sản tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Trong quá trình nghiên cứu vấn đề đất đai và địa tô dưới các chế độ phong kiến và tư bản chủ nghĩa, C. Mác đã lập luận chặt chẽ và thuyết phục rằng chế độ tư hữu ruộng đất là biểu hiện rõ ràng nhất của sự phi lý trong sở hữu tư liệu sản xuất, và quyền tư hữu đối với ruộng đất là hoàn toàn không có cơ sở hợp lý. C.Mác khẳng định: “Đất đai là tài sản mãi mãi với loài người, là điều kiện để sinh tồn, là điều kiện không thể thiếu được để sản xuất, là tư liệu sản xuất cơ bản trong nông, lâm nghiệp”(1). Ông cho rằng, loài người không tạo ra đất đai, nó rõ ràng là có trước con người. Vì thế không một ai có quyền sở hữu đất đai. Trong điều kiện còn tồn tại các quốc gia, dân tộc thì đất đai thuộc về chủ quyền lãnh thổ của quốc gia đó và chỉ có toàn thể chủ nhân của quốc gia đó (chứ không phải là chính quyền nhà nước) mới là chủ thể sở hữu lãnh thổ đó.

V.I. Lênin là người am hiểu sâu sắc cơ sở của vấn đề sở hữu đất đai cũng như lý luận về đất đai và địa tô của C. Mác. Khi nghiên cứu về hai con đường phát triển tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp, V.I. Lênin đã đi đến kết luận rất khoa học về sự cần thiết phải quốc hữu hóa đất đai để xóa bỏ địa tô tuyệt đối nhằm mở đường cho sự phát triển lực lượng sản xuất trong nông nghiệp. Chính V.I. Lênin từng viết báo lên án mạnh mẽ chính quyền Sa hoàng vì đã bán toàn bộ lãnh thổ Alaska cho Mỹ (năm 1867), đồng thời, chỉ ra sự cam chịu của chính quyền Mãn Thanh dưới áp lực của Liên quân Anh, Pháp ký hiệp định cho thuê 99 năm Hồng Kông (với Anh) và một phần Quảng Châu cùng đường sắt Côn Minh - Vân Nam (với Pháp).

Với sự thấu hiểu về sở hữu đất đai như thế nên ngay vào ngày thứ hai sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, chính V.I. Lênin đã soạn thảo và ban hành hai sắc lệnh đầu tiên của Chính quyền Xô viết là Sắc lệnh về hòa bình Sắc lệnh về ruộng đất. Trong Sắc lệnh về ruộng đất đó, phạm trù “sở hữu toàn dân về đất đai” ở nước Nga Xô viết đã được luật hóa. Quan điểm của V.I. Lênin trong Sắc lệnh về ruộng đất cho rằng, nhà nước Xô viết cũng như tất cả mọi nhà nước không có quyền sở hữu đất đai, do vậy không được phép bán cho bất kỳ chủ thể nào dù chỉ một phần nhỏ đất đai(2).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đất đai là sự kế thừa và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, đồng thời gắn liền với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người luôn khẳng định rằng đất đai thuộc sở hữu của toàn dân, do Nhà nước đại diện quản lý để phục vụ lợi ích chung, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi của người nông dân – lực lượng chủ yếu của cách mạng. Trong nhiều bài viết và phát biểu, Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng người nông dân phải "có ruộng cày", và đấu tranh giành lại ruộng đất từ tay địa chủ phong kiến là mục tiêu quan trọng trong cách mạng dân tộc dân chủ. Từ Cách mạng Tháng Tám đến cải cách ruộng đất, quan điểm về đất đai của Hồ Chí Minh luôn nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, xóa bỏ bất công và xây dựng cơ sở cho chế độ mới. Khi đến nước Nga, Người đã được thấy một mô hình nhà nước kiểu mới: “… phát ruộng đất cho dân cày, giao công xưởng cho thợ thuyền… ra sức tổ chức kinh tế mới, để thực hành chủ nghĩa thế giới đại đồng”(2). Mô hình này đã gợi ý cho Người về kiểu nhà nước mới do nhân dân lao động làm chủ sẽ được xây dựng ở Việt Nam trong tương lai.

Sau khi giành được chính quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn quản lý đất đai. Hiến pháp 1980 lần đầu tiên khẳng định nguyên tắc sở hữu toàn dân về đất đai – một nguyên tắc được tiếp tục duy trì và hoàn thiện trong các bản Hiến pháp tiếp theo, đặc biệt là Hiến pháp 2013 và được cụ thể hoá trong Luật Đất đai 2013 (nay là Luật Đất đai 2024).

Thực tiễn 40 đổi mới đất nước cho thấy chế độ sở hữu toàn dân không hề cản trở phát triển mà ngược lại, nhờ cơ chế giao quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài đã huy động được nguồn lực đất đai cho đầu tư, phát triển hạ tầng, công nghiệp, đô thị và nông nghiệp. Đồng thời, cơ chế này còn tạo điều kiện cho Nhà nước thực hiện quy hoạch sử dụng đất chủ động, đảm bảo lợi ích quốc gia trong dài hạn. Điều này khẳng định, quan điểm sở hữu toàn dân về đất đai là sự kế thừa và phát triển sáng tạo các nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với đặc điểm chính trị, kinh tế và văn hóa của Việt Nam. Đây không chỉ là sự lựa chọn có tính nguyên tắc, mà còn là giải pháp phù hợp thực tiễn, bảo đảm phát triển bền vững và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

Anh-tin-bai

Khu công nghiệp VSIP Nghệ An nhìn từ trên cao (Ảnh: baonghean.vn)

NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH PHẢN BÁC NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, CỔ SÚY TƯ NHÂN HÓA ĐẤT ĐAI CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH 

Vấn đề sở hữu đất đai ở Việt Nam luôn là một chủ đề nhạy cảm, phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và trách nhiệm của Nhà nước. Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một số thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị đã lợi dụng để xuyên tạc bản chất chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, đồng thời cổ súy cho việc tư nhân hóa đất đai. Những hành vi này không chỉ mang tính chống phá mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây rối loạn xã hội, làm suy yếu vai trò quản lý, điều tiết của Nhà nước.

Thứ nhất, một số luận điệu cho rằng “người dân không có quyền sở hữu đất đai”, “đất phải thuộc về dân chứ không thể thuộc về Nhà nước”, từ đó cố tình tạo ra sự đối lập về lợi ích giữa Nhà nước và người dân. Thực chất, đây là sự đánh tráo khái niệm giữa “quyền sở hữu” và “quyền sử dụng” đất đai. Hiến pháp 2013 Luật Đất đai 2024 đã khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước không “chiếm đoạt” đất đai mà thực hiện vai trò điều tiết, đảm bảo sự công bằng và phát triển bền vững, đồng thời trao quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài và hợp pháp cho người dân. Quyền sử dụng đất được cụ thể hóa bằng các quyền chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, góp vốn… điều này tương đồng với quyền sở hữu ở các nước theo mô hình thị trường tự do.

Thứ hai, các thế lực phản động, thù địch lợi dụng các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện đất đai để thổi phồng, cắt ghép thông tin, tạo diễn ngôn tiêu cực trong xã hội. Các đối tượng này thường dùng mạng xã hội và các nền tảng truyền thông xuyên biên giới để lan truyền nội dung xuyên tạc, vu cáo Nhà nước “bao che cho doanh nghiệp”, “cưỡng chế phi pháp”, “thiếu minh bạch trong quản lý đất đai”. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đất đai 2024 cho thấy, Nhà nước đã có bước tiến lớn về minh bạch hóa quy trình thu hồi, bồi thường, tái định cư. Các quy định về công khai quy hoạch, giá đất, lấy ý kiến người dân, xác định giá bồi thường tiệm cận thị trường là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất.

Thứ ba, một số tổ chức, cá nhân đội lốt học giả, chuyên gia đã sử dụng danh nghĩa “góp ý chính sách” để đề xuất tư nhân hóa đất đai hoặc trao quyền định đoạt tài sản một cách tuyệt đối, phi thực tế. Những kiến nghị này thoạt nhìn có vẻ hợp lý, nhưng thực chất là lồng ghép mục tiêu xóa bỏ vai trò điều tiết đất đai của Nhà nước – trụ cột quan trọng trong quản lý tài nguyên và bảo đảm công bằng xã hội ở Việt Nam. Cần khẳng định rằng, mô hình sở hữu toàn dân là kết quả của lịch sử đấu tranh của các thế hệ người dân Việt Nam, hoàn toàn phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội và chính trị của Việt Nam, góp phần ngăn chặn đầu cơ, tích tụ đất đai bất hợp lý, gây bất ổn xã hội.

Thứ tư, các thế lực thù địch, phản động tận dụng khai thác môi trường truyền thông số để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực đất đai. Trên không gian mạng, các thế lực thù địch sử dụng các kênh truyền thông ẩn danh để phát tán video, podcast, bài viết bóp méo sự thật, kích động tâm lý bất mãn, kêu gọi chống đối. Nguy hiểm hơn, chúng còn lôi kéo, tuyển mộ các phần tử cực đoan tham gia mạng lưới phá hoại, được tài trợ bởi các trung tâm truyền thông nước ngoài. Đây không chỉ là hoạt động tuyên truyền sai trái mà còn là hành vi can thiệp chính trị trá hình thông qua không gian mạng.

Đấu tranh phản bác các luận điệu cổ súy tư nhân hóa đất đai đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ giữa các biện pháp pháp lý, truyền thông, giáo dục và kỹ thuật. Một mặt, cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu đúng bản chất chế độ sở hữu toàn dân, nâng cao “kháng thể thông tin”; mặt khác, phải xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng khiếu kiện để gây rối. Đồng thời, cần phát triển hệ thống truyền thông phản biện vững mạnh, chủ động nhận diện và bóc trần các chiêu trò xuyên tạc trong bối cảnh chuyển đổi số.

NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA CÔNG TÁC ĐẤU TRANH LÝ LUẬN VỀ VẤN ĐỀ ĐẤT ĐAI HIỆN NAY

Thứ nhất, làm sáng tỏ tính đúng đắn và hợp lý của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong điều kiện đặc thù của Việt Nam

Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai không phải là sản phẩm của ý chí chủ quan, mà là sự lựa chọn tất yếu phù hợp với thực tiễn lịch sử và định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Hiến pháp 2013 Luật Đất đai năm 2024 đã xác lập rõ ràng mô hình Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thực hiện quản lý thống nhất. Mục tiêu này không phải để tập trung quyền lực tùy tiện, mà nhằm đảm bảo quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên chiến lược này, điều tiết phân bổ đất đai hài hòa giữa các khu vực, ngành nghề, đối tượng xã hội.

Công tác đấu tranh lý luận cần tập trung lý giải rõ rằng chế độ sở hữu toàn dân không làm triệt tiêu quyền của người sử dụng đất, mà ngược lại, tạo ra khung pháp lý bảo đảm quyền sử dụng ổn định, lâu dài, có thể chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn... Việc so sánh với mô hình sở hữu tư nhân tuyệt đối ở một số quốc gia phương Tây phải được đặt trong bối cảnh khác biệt về điều kiện chính trị – xã hội. Ở Việt Nam, nếu áp dụng cơ chế tư nhân hóa đất đai tràn lan, rất dễ dẫn đến hiện tượng tích tụ phi pháp, đầu cơ, phân hóa giai cấp và xói mòn quyền điều tiết của Nhà nước, từ đó làm suy yếu năng lực quản lý của nhà nước.

Thứ hai, giải quyết tận gốc các bất cập trong thực tiễn và minh bạch hóa thông tin để vô hiệu hóa các chiêu bài xuyên tạc, kích động

Một trong những nguyên nhân khiến các thế lực thù địch dễ lợi dụng vấn đề đất đai là do tồn tại không ít điểm nghẽn trong thực tiễn thi hành pháp luật: từ quy hoạch, thu hồi, định giá cho đến bồi thường, tái định cư. Do đó, đấu tranh lý luận không thể chỉ dừng ở việc bảo vệ quan điểm chính sách, mà phải gắn với kiến nghị hoàn thiện thể chế, khắc phục những điểm yếu tạo “kẽ hở” cho xuyên tạc.

Nhiệm vụ trước mắt và lâu dài là thúc đẩy minh bạch hóa toàn bộ quy trình sử dụng đất – từ xây dựng quy hoạch đến phê duyệt dự án, xác định giá đất và thực hiện bồi thường. Khi người dân được tiếp cận thông tin đầy đủ, được tham gia giám sát và đối thoại công khai trong quá trình thực thi chính sách, các hành vi kích động, lợi dụng khiếu kiện sẽ không còn đất sống. Bên cạnh đó, đấu tranh lý luận cũng cần góp phần vạch trần bản chất của các hành vi lợi dụng mâu thuẫn đất đai để chống phá Nhà nước, từ đó tạo nền tảng dư luận thuận lợi cho việc xử lý kiên quyết, đúng pháp luật các phần tử vi phạm.

Thứ ba, phản bác các luận điệu pháp lý lệch lạc và bác bỏ ý đồ quốc tế hóa vấn đề đất đai của Việt Nam

Trong thời gian qua, không ít tổ chức và cá nhân nước ngoài đã đưa ra các đánh giá sai lệch, áp đặt quan điểm pháp lý ngoại lai vào chính sách đất đai của Việt Nam, thậm chí yêu cầu “quốc tế hóa” vấn đề sở hữu đất. Đây là biểu hiện rõ ràng của mưu đồ can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm chủ quyền quốc gia.

Đấu tranh lý luận cần xây dựng lập luận sắc bén, có căn cứ pháp lý và thực tiễn để chứng minh rằng mô hình sở hữu toàn dân không chỉ phù hợp với điều kiện Việt Nam mà đã qua nhiều lần cải cách theo hướng tăng quyền cho người dân và thị trường. Chẳng hạn, việc chuyển sang cơ chế định giá đất theo nguyên tắc thị trường, tăng cường vai trò giám sát của xã hội dân sự, hay mở rộng quyền tiếp cận đất đai cho người Việt ở nước ngoài, doanh nghiệp FDI... đều là minh chứng cho một hệ thống pháp luật năng động, hội nhập và cải tiến. Vì thế, việc cố tình bóp méo chính sách đất đai thành “tước đoạt quyền tư hữu” là hành vi sai trái, cần bị phản bác bằng lý luận pháp lý chặt chẽ, mang tính thuyết phục cao.

Thứ tư, tăng cường năng lực truyền thông số và nâng cao “sức miễn dịch thông tin” cho người dân

Trong môi trường truyền thông kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ, công tác đấu tranh lý luận không thể tách rời khỏi mặt trận thông tin. Các thế lực thù địch đã và đang sử dụng không gian mạng để phát tán thông tin giả, dựng chuyện về “mất đất”, “tước quyền sở hữu”, từ đó gieo rắc tâm lý hoang mang và thúc đẩy tâm lý chống đối trong xã hội. Vì vậy, nhiệm vụ lý luận lúc này là song hành với công tác truyền thông chủ động – nhanh chóng cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, dễ hiểu về chính sách đất đai qua các nền tảng truyền thông hiện đại, đồng thời, xây dựng hệ thống phản ứng nhanh để kịp thời bóc trần tin giả, luận điệu xuyên tạc. Quan trọng hơn, cần bồi dưỡng khả năng nhận thức, phân tích và chọn lọc thông tin cho người dân – nhất là giới trẻ – để tạo nên một “hệ miễn dịch xã hội” vững vàng trước tác động tiêu cực từ môi trường truyền thông mở.

Bốn nhiệm vụ nêu trên không tách rời nhau mà tạo thành một chỉnh thể thống nhất, phản ánh cách tiếp cận toàn diện của công tác đấu tranh lý luận trong lĩnh vực đất đai. Không chỉ nhằm mục tiêu bảo vệ chính sách, những nhiệm vụ này còn góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản lý, giữ vững ổn định chính trị và củng cố lòng tin xã hội vào sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước đối với nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng này.

Vấn đề đất đai tại Việt Nam không chỉ là sự vận hành pháp lý mà còn là trục trung tâm của cuộc đấu tranh tư tưởng bảo vệ nền tảng chính trị – xã hội. Luận điệu “tư nhân hóa đất đai” là chiêu trò xuyên tạc, phá hoại thể chế, phủ nhận vai trò quản lý của Nhà nước và lợi ích chung toàn dân. Việc hiểu đúng bản chất sở hữu toàn dân về đất đai, cùng với nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch không chỉ góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mà còn là nhiệm vụ cấp thiết để giữ vững ổn định chính trị – xã hội, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc trong tiến trình phát triển bền vững./.

Trần Thuý - Anh Xuân

Trường Chính trị tỉnh Nghệ An

--------------------------

1.  C.Mác, Ăngghen (2011), Toàn tập, Nxb CTQG-ST, HN, tr.612.

2.  Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, Nxb Chính trị, Mátxcơva (tiếng Nga), tr.221

3.  Hồ Chí Minh (2009), Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, tr. 270, 280, 270.

4.  Quốc hội, Luật Đất đai (năm 2024)

5.  Quốc hội, Hiến pháp (năm 2013)