Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An góp ý về thí điểm VKSND khởi kiện bảo vệ người yếu thế và lợi ích công
Tuy nhiên, các đại biểu kiến nghị
làm rõ khái niệm “vụ án dân sự công ích”, xác định cụ thể nhóm dễ bị tổn thương
và xây dựng cơ chế giám sát thi hành bản án.
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 4 chiều 21/5. Đoàn ĐBQH
tỉnh Nghệ An thảo luận cùng đoàn thành phố Hải Phòng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ảnh: Thành Vinh
Chiều 21/5, thảo luận tại Tổ
4, các vị ĐBQH đoàn Nghệ An có 2 ý kiến, đa số tập trung vào dự thảo Nghị quyết
của Quốc hội về việc thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân
sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.
“Việc dân sự cốt ở đôi bên”
Thảo luận về dự thảo nghị quyết
trên, đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng
đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh đồng tình với chủ trương thực hiện thí điểm nội
dung này. Phạm vi thí điểm tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng thời
gian được nêu trong dự thảo là phù hợp.
Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn
khoăn về nội dung trong dự thảo, đó là việc đưa ra khái niệm "vụ án dân sự
công ích", trong đó bao gồm cả các vụ án dân sự do VKSND khởi kiện nhằm bảo
vệ quyền dân sự của các chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương và bảo vệ lợi ích
công khi không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào khác đứng ra khởi kiện.
Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ
tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh:
Nghĩa Đức
Theo đại biểu, nếu gọi là "vụ
án dân sự công ích" thì nên hiểu theo hướng nghiêng về việc VKSND khởi kiện
để bảo vệ lợi ích công cộng trong trường hợp không có tổ chức, cá nhân, cơ quan
có thẩm quyền nào khác thực hiện việc này. Còn việc khởi kiện nhằm bảo vệ quyền
dân sự của các chủ thể thuộc nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương có thể nghiên cứu
tách thành một chương riêng.
Đại biểu Thái Thị An Chung cũng đề
nghị, việc xác định nhóm người dễ bị tổn thương trong dự thảo còn rất rộng, do
vậy cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng để xác định một cách chính xác, rõ ràng hơn
theo hướng tập trung vào những đối tượng thực sự yếu thế, khó khăn trong việc
tiếp cận các dịch vụ cơ bản do điều kiện vật chất, hoàn cảnh sống hoặc môi trường
xã hội hoặc năng lực hành vi dân sự hạn chế.
Ví dụ, qua nghiên cứu, đại biểu
cho biết, ở một số quốc gia, khái niệm "nhóm dễ bị tổn thương" được
xác định, bao gồm người nghèo, người có thu nhập thấp, người thất nghiệp, tức
là những đối tượng không có khả năng chi trả cho các dịch vụ cơ bản và gặp khó
khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu; hoặc đối tượng là trẻ em mồ
côi, trẻ em sống trong hộ nghèo, trẻ em bị bạo lực gia đình; hoặc là người già
từ 75 tuổi trở lên… Thậm chí, một số nước còn mở rộng phạm vi khái niệm này tới
những người vô gia cư, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, khủng hoảng, người dân
tộc thiểu số hoặc cộng đồng thiểu số.
Các vị ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận Tổ 4 chiều
21/5. Ảnh: Nghĩa Đức
Đại biểu Thái Thị An Chung cũng
bày tỏ băn khoăn về quy định trong dự thảo Nghị quyết liên quan đến việc VKSND
không khởi kiện nếu chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương có đề nghị không khởi
kiện. Theo đại biểu, quy định như vậy đồng nghĩa với việc những chủ thể này phải
có một văn bản chính thức thể hiện ý chí “đề nghị không khởi kiện” thì VKSND mới
dừng việc xem xét, điều tra, xác minh và không thực hiện quyền khởi kiện.
Theo quan điểm của vị đại biểu
đoàn Nghệ An, trong quan hệ dân sự, với nguyên tắc cốt lõi là “việc dân sự cốt ở
đôi bên”, thì việc khởi kiện hay không trước tiên phải là quyền của chính chủ
thể đó (trường hợp đủ năng lực hành vi dân sự), vì vậy cần nghiên cứu thêm đối
với quy định này.
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu
thêm khi các quy định trong dự thảo Nghị quyết cho thấy: VKSND vừa có nhiệm vụ,
quyền hạn với tư cách làm người khởi kiện nhưng đồng thời có tư cách là bên kiểm
soát việc tuân theo pháp luật trong giải thích các cái vụ án dân sự; cũng như
xem xét lại quy định đối với các vụ án do VKSND khởi kiện nhằm bảo vệ lợi ích
công thì không áp dụng thủ tục hòa giải.
Nghị quyết rất nhân văn
Liên quan đến nội dung này, Thiếu
tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc
phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội cho rằng đây nghị quyết rất nhân văn.
Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên là ĐBQH hoạt động
chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội phát biểu
thảo luận Ảnh: Nghĩa Đức
Tuy nhiên, ông đề nghị cơ quan soạn
thảo tiếp tục rà soát, làm rõ hơn phạm vi đối tượng được bảo vệ; đồng thời xây
dựng cơ chế theo dõi, giám sát chặt chẽ để bảo đảm toàn bộ quá trình từ khởi kiện,
xét xử đến thi hành bản án được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Chỉ khi phán quyết
của tòa án được thi hành nghiêm túc thì quyền và lợi ích hợp pháp của người yếu
thế mới thực sự được bảo vệ, đúng với tinh thần nhân văn của nghị quyết.
Các vị ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận Tổ 4 chiều
21/5. Ảnh: Nghĩa Đức
Tướng Thuận cũng đề nghị cần làm
tốt công tác tuyên truyền để người dân, nhất là những người yếu thế biết được
quyền lợi của mình, hiểu được cơ chế bảo vệ của Nhà nước.
Chính sách này phải được phổ biến
để đi vào cuộc sống, giúp người dân yên tâm rằng, trong mọi hoàn cảnh, Nhà nước
luôn đồng hành và bảo vệ họ.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận
tại tổ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn
-Pleiku; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng
Tàu giai đoạn 1.
Thành Duy – Phan Hậu
Nguồn: baonghean.vn (21/5/2025)