Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh đề xuất xây dựng Bộ Chỉ số Quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cấp địa phương
Quang cảnh Hội thảo Khoa học quốc
gia “Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong kỷ nguyên phát triển mới”.
Ảnh: Thành Duy
Sáng 16/5, tại TP. Vinh, Đảng ủy
Công an Trung ương phối hợp Tỉnh ủy Nghệ An, Tạp chí Cộng sản và Nhà Xuất bản
Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia “Xây dựng văn hóa
tiết kiệm, chống lãng phí trong kỷ nguyên phát triển mới”.
Hội thảo được kết nối trực tuyến
đến 62 Công an các địa phương và một số đơn vị trực thuộc Bộ Công an, với khoảng
gần 10.000 đại biểu.
Các đồng chí: Thượng tướng,
PGS.TS. Trần Quốc Tỏ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy
Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; TS. Hoàng Trung Dũng - Ủy viên Ban
Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Nguyễn Đức Trung -
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, đồng chí Lê Hồng
Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trình bày tham luận: “Nghệ An
tích cực thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí gắn với tinh gọn bộ máy hệ thống
chính trị”. Báo Nghệ An lược ghi bài tham luận.
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Bí
thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trình bày tham luận: “Nghệ An tích cực thực
hiện tiết kiệm, chống lãng phí gắn với tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị".
Ảnh: Thành Duy
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh
luôn là hiện thân mẫu mực của đức tính cần, kiệm, liêm, chính; là tấm gương
sáng ngời về lối sống giản dị, liêm khiết, gắn bó máu thịt với Nhân dân. Theo
Người, phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên phải thể hiện sinh động
trong từng hành động thường nhật; muốn vận động, hướng dẫn nhân dân thì trước hết
phải tự mình làm gương.
Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của
Bác, Ðảng và Nhà nước ta luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm,
thường xuyên, gắn chặt với công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và phát triển đất
nước bền vững.
Trong thư Bác gửi Ban Chấp hành Đảng
bộ tỉnh Nghệ An ngày 21/7/1969, Người căn dặn: “Phải quản lý tốt để tăng năng
suất lao động và phải chống các tệ lãng phí, tham ô”; “Phải ra sức phát triển sản
xuất và thực hành tiết kiệm”. Những lời dặn dò giản dị mà sâu sắc ấy đối với mỗi
cán bộ, đảng viên và người dân Nghệ An, luôn là nguồn sức mạnh tinh thần bất tận,
là kim chỉ nam soi đường cho sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương.
Các đại biểu dự Hội thảo Khoa học
quốc gia “Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong kỷ nguyên phát triển
mới”. Ảnh: Thành Duy
Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân
tỉnh Nghệ An luôn xác định: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là
chuẩn mực đạo đức cách mạng, mà còn là nhiệm vụ chính trị; từ đó, chủ động triển
khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống
chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả
luôn được tỉnh rất chú trọng.
Nghệ An là tỉnh có diện tích tự
nhiên lớn nhất cả nước, dân số đứng thứ tư. Số lượng đơn vị hành chính lớn. Trước
đây, có 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 480 đơn vị hành chính cấp xã. Đảng bộ,
Chính quyền tỉnh Nghệ An đã chủ động và đặt mục tiêu chấn chỉnh, tổ chức nâng
cao hiệu suất công tác, năng suất lao động phù hợp với từng thời kỳ, từng giai
đoạn của đất nước.
Giai đoạn 2017-2024, toàn tỉnh đã
giảm 46 đầu mối hành chính cấp tỉnh, cấp huyện; 234 đơn vị sự nghiệp công lập;
7 cấp phó tại sở, ban, ngành và 69 phó phòng. Tổng số biên chế tinh giản khối
chính quyền là 10.842 người, đạt tỷ lệ 16,43% so với năm 2017.
Sau tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW,
công cuộc tinh giản tiếp tục đẩy mạnh: cấp tỉnh giản 1 ban Đảng, 2 phòng chuyên
môn, 1 ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ; kết thúc hoạt động 2 đảng bộ, các
đảng đoàn, ban cán sự đảng. Khối đoàn thể giảm 1 ban, 4 công đoàn ngành, 1 đơn
vị sự nghiệp. Khối chính quyền giảm 6 sở (từ 21 còn 15), 1 đơn vị sự nghiệp thuộc
UBND tỉnh (từ 12 còn 11), 31 phòng, ban, chi cục và 10 đơn vị sự nghiệp cấp sở.
Cấp huyện giảm 49 phòng chuyên
môn (từ 257 còn 208) và 48 đơn vị sự nghiệp (từ 1.449 còn 1.401). Dự kiến, toàn
tỉnh tiếp tục tinh giản thêm 76 cán bộ, công chức, viên chức (30 cấp tỉnh, 46 cấp
huyện). Ngoài chỉ đạo của Trung ương, tỉnh chủ động hợp nhất Sở Văn hóa và Thể
thao với Sở Du lịch; kết thúc hoạt động Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại
và Du lịch (đang xin ý kiến Chính phủ).
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã giảm
1 đơn vị hành chính cấp huyện, 68 đơn vị cấp xã (từ 480 còn 412), 2.087 thôn, bản,
khối. Hiện tỉnh trình Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giảm từ 412 xuống
130 đơn vị (tỷ lệ 68,45%).
Thông qua sắp xếp, tinh gọn bộ
máy, Nghệ An đã tiết kiệm gần 500 tỷ đồng từ việc tăng mức tự đảm bảo chi thường
xuyên trong lĩnh vực sự nghiệp y tế; giảm gần 100 tỷ đồng chi thường xuyên mỗi
năm; 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện cơ chế tự chủ tài
chính.
Thành tựu lớn hơn, sâu sắc hơn,
chính là sự thay đổi trong tư duy quản lý và vận hành hệ thống: Từ chỗ coi biên
chế như “chỉ tiêu được giữ” thành ý thức “biên chế là nguồn lực quý báu” phải
được phân bổ đúng người, đúng việc; đẩy mạnh mua sắm tập trung, số hóa quản lý
tài sản công; siết chặt kiểm soát đầu tư công; rà soát gần 350 cơ sở nhà đất
công; thu hồi, tái sử dụng hiệu quả hơn 90% trụ sở dôi dư sau sáp nhập xã, khối,
xóm và đơn vị sự nghiệp.
Các đại biểu dự Hội thảo Khoa học
quốc gia “Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong kỷ nguyên phát triển
mới”. Ảnh: Thành Duy
Nghệ An cũng thẳng thắn nhìn nhận
những khó khăn, hạn chế:
Thứ nhất, thời điểm ban đầu triển khai, công tác xác định
phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy không tránh khỏi một số lúng túng. Phương án
tổ chức ở một số nơi chưa thật sự chủ động, linh hoạt, còn mang tính áp dụng
máy móc.
Thứ hai, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của
một số cơ quan, tổ chức chưa rõ ràng; tình trạng chồng chéo, giao thoa, dẫn tới
việc làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ.
Thứ ba, người đứng đầu một số ngành, lĩnh vực, địa phương
còn thiếu quyết liệt trong tinh giản đối với những trường hợp yếu kém về chức
trách, nhiệm vụ, năng lực.
Thứ tư, việc bố trí cán bộ, công chức dôi dư còn kéo dài;
việc xử lý cơ sở vật chất dôi dư ở một số nơi chưa kịp thời. Công tác bố trí
cán bộ không chuyên trách cấp xã, cũng như chính sách đối với đội ngũ cán bộ
thôn, xóm, bản ở một số địa phương còn bất cập.
Vì vậy, Nghệ An xác định tinh gọn
bộ máy không thể chỉ dừng lại ở việc hợp nhất đầu mối trên giấy tờ, mà phải là
tổ chức lại, phân bổ lại nguồn lực một cách khoa học để sinh ra hiệu lực, hiệu
quả.
Các đại biểu dự Hội thảo Khoa học
quốc gia “Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong kỷ nguyên phát triển
mới”. Ảnh: Thành Duy
Từ thực tiễn hơn 7 năm triển khai
tinh gọn bộ máy gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghệ An đã rút ra
một số bài học:
Thứ nhất, quá trình tổ chức triển khai, thực hiện phải bảo đảm
sự lãnh đạo toàn diện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy; đặc biệt là phải
phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Thứ hai, tinh gọn bộ máy không phải là cắt giảm máy móc, cơ
học mà là tổ chức lại để phục vụ Nhân dân hiệu quả hơn.
Thứ ba, thực hành tiết kiệm phải có mục tiêu rõ ràng và cơ
chế khuyến khích cụ thể. Ở Nghệ An, đã từng bước xây dựng hệ thống đánh giá
“giá trị trên đầu chi ngân sách” đối với từng chương trình, từng đơn vị.
Thứ tư, cải cách bộ máy phải đi đôi với cải cách thủ tục
hành chính và đổi mới phương thức lãnh đạo.
Thứ năm, và cũng là bài học sâu sắc nhất: tiết kiệm không phải
là bớt chi tiêu một cách cực đoan, mà là tập trung chi cho đúng chỗ, đúng việc,
đúng mục tiêu, đúng chiến lược.
Thực tiễn ở Nghệ An cho thấy: Những
dự án, công trình không thật sự cần thiết đều mạnh dạn cắt bỏ, để tập trung nguồn
lực đầu tư công cho những lĩnh vực thiết yếu, tập trung phục vụ đời sống Nhân
dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Các đại biểu dự Hội thảo Khoa học
quốc gia “Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong kỷ nguyên phát triển
mới”. Ảnh: Thành Duy
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
đã xác định 2 mục tiêu chiến lược: Đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang
phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở
thành nước phát triển, thu nhập cao.
Muốn hiện thực hóa các mục tiêu
đó, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với tinh gọn bộ máy hệ thống
chính trị đóng vai trò hết sức quan trọng. Quan điểm chỉ đạo này được đồng chí
Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện sâu sắc trong các bài viết: “Chống lãng phí”, “Tinh
- Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”.
Trên tinh thần đó, Nghệ An xin đề
xuất 5 kiến nghị:
Thứ nhất, xây dựng Bộ Chỉ số Quốc gia về thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí cấp địa phương.
Thứ hai, đề nghị Trung ương cho phép địa phương giữ lại một
phần nguồn tiết kiệm để tái đầu tư cho cải cách hành chính, chuyển đổi số và
nâng cao năng lực cán bộ.
Thứ ba, đề nghị Trung ương nghiên cứu, ban hành cơ chế,
chính sách riêng để giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau
khi sắp xếp các đơn vị hành chính.
Thứ tư, đề nghị khuyến khích thí điểm mô hình quản trị công
khai, minh bạch gắn với dữ liệu mở.
Thứ năm, đề nghị chuyển dần thước đo quản trị địa phương từ
tiêu chí “chi bao nhiêu” sang tiêu chí “sinh ra bao nhiêu giá trị” và cần đánh
giá kết quả phát triển địa phương dựa trên hiệu quả chi tiêu công, tác động thực
tế của chính sách, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
“Với quyết tâm và tinh thần trách
nhiệm cao nhất, Nghệ An cam kết tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải
pháp cải cách bộ máy Nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xây dựng
hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, đồng chí Lê Hồng Vinh khẳng định
Thành Duy - Phạm Bằng (ghi)
Nguồn:
baonghean (16/05/2025 11:53)