Chủ tịch Quốc hội: Hoàn thành sửa đổi Hiến pháp trước ngày 30/6/2025
Sáng 16/4, Bộ Chính trị, Ban Bí
thư tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội
nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.
Tại hội nghị, đồng chí Trần Thanh
Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã truyền đạt Chuyên đề "Về
sửa đổi hiến pháp và pháp luật; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI
và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031".
Đồng chí Trần Thanh Mẫn
- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã truyền đạt Chuyên đề "Về sửa
đổi hiến pháp và pháp luật; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại
biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031". Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hoàn thành sửa đổi Hiến pháp
và các luật, nghị quyết trước ngày 30/6/2025
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
khẳng định, các luật, nghị quyết thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc
hội khóa XV liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và thúc đẩy phát triển
kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước đã và
đang phục vụ hiệu quả cho cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ
thống chính trị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo đột phá để
phát triển, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương
và cả nước, theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng.
Thực hiện Nghị quyết số
60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương
Đảng khóa 13, trong đó có việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ
chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa
phương 2 cấp; sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần
chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào MTTQ Việt Nam… mở ra cục
diện mới phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới với tầm nhìn lâu
dài.
Toàn cảnh điểm cầu tỉnh
Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng
Để đáp ứng yêu cầu nói trên, phạm
vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào 2 nhóm nội dung.
Một là, các quy định của
Hiến pháp năm 2013 liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội
(tập trung ở Điều 9,10), để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ
máy, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của MTTQ Việt Nam,
vai trò tập hợp các giai cấp, tầng lớp, hướng mạnh về địa bàn dân cư,
gần dân, sát dân, đến từng hộ gia đình.
Hai là, các quy định
tại chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa
phương 2 cấp.
Do định hướng phạm vi sửa
đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên
quan đến khoảng 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nên Ủy ban Thường vụ Quốc
hội sẽ trình Quốc hội hình thức văn bản là Nghị quyết của Quốc hội
(tương tự như đã thực hiện tại các lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp
năm 1988, 1989 và 2001).
Các đồng chí lãnh đạo
tỉnh tham gia tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh
Mẫn, các cơ quan, tổ chức theo phạm vi thẩm quyền, lĩnh vực phụ trách đã tiến
hành rà soát, lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác
động của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Cụ thể, theo Báo cáo của Chính phủ,
có khoảng 19.220 văn bản ở Trung ương và địa phương ban hành có nội dung chịu
tác động, ảnh hưởng trực tiếp của việc thực hiện chủ trương tiếp tục sắp xếp tổ
chức bộ máy của hệ thống chính trị, gồm 1.180 văn bản của Trung ương, 18.040 của
địa phương.
Việc sửa đổi Hiến pháp và các luật,
nghị quyết có liên quan phải được hoàn thành trước ngày 30/6/2025 và có hiệu
lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Trong đó, quy định điều khoản
chuyển tiếp để hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị
hành chính cấp xã chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là trước ngày
15/8/2025, các đơn vị hành chính cấp tỉnh chính thức đi vào hoạt động chậm nhất
là trước ngày 15/9/2025. Có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo hoạt động thông suốt,
không gián đoạn, phù hợp với lộ trình, kế hoạch thực hiện.
Các đại biểu tham dự
hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng
Ngày 15/4/2025, Ủy ban Thường vụ
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 76 về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm
2025, bảo đảm giảm 60% đến 70% tổng số đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước và
thống nhất về nội dung trình Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung một số điều
của Hiến pháp năm 2013.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
đặc biệt lưu ý công tác quán triệt trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức,
tuyên truyền, vận động rộng rãi trong toàn dân, định hướng dư luận xã hội, bảo
đảm sự đoàn kết, đồng thuận, thống nhất cao, quyết tâm thực hiện trong cán bộ,
đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Dự kiến có 500 đại biểu Quốc hội
Về phương hướng bầu cử đại biểu
Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031,
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự kiến bầu cử sớm hơn so với kỳ bầu
cử trước để tạo sự đồng bộ với cấp ủy các cấp, kịp thời triển khai nghị quyết Đại
hội Đảng lần thứ XIV.
Dự kiến Ngày bầu cử đại biểu Quốc
hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là ngày Chủ nhật
15/3/2026 và ngày 6/4/2026 họp phiên họp thứ nhất của Quốc hội. Vì vậy các cơ
quan, đơn vị, địa phương phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, ngay từ bây giờ.
Các đại biểu tham dự
hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng
Về số lượng đại biểu Quốc hội, dự
kiến là 500 đại biểu, trong đó tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là
40%. Định hướng chung về cơ cấu là: Đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng
10%; đại biểu tái cử khoảng 30%; đại biểu nữ tỷ lệ ít nhất 35%, đại biểu là người
dân tộc thiểu số ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức ứng cử đại
biểu Quốc hội.
Số lượng đại biểu HĐND, căn cứ
vào quy mô dân số từng đơn vị hành chính; thực hiện theo quy định của Luật Tổ
chức Chính quyền địa phương.
Về tiêu chuẩn đại biểu, cơ bản
như kỳ bầu cử trước, tuy nhiên, có điểm mới là: ưu tiên người có trình độ về
khoa học công nghệ; người được đào tạo cơ bản về pháp luật.
Tính đến tháng 3/2026 phải đủ tuổi
trọn 1 nhiệm kỳ, nam (tháng 3/1969), nữ (tháng 9/1972) trở lại đây. Tái cử phải
còn ít nhất 36 tháng, nam (tháng 3/1967), nữ (tháng 5/1971) trở lại đây và đặc
biệt quán triệt yêu cầu của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên bế
mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11 vừa qua là: phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là
vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác.
Các đại biểu tham dự
hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng
Những yêu cầu đặt ra đối với công
tác bầu cử là: Có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, để tổ chức thắng lợi cuộc
bầu cử. Các tỉnh ủy, thành ủy thành lập Ban chỉ đạo để lãnh đạo toàn diện công
tác bầu cử, trực tiếp chỉ đạo từ cấp tỉnh xuống cấp xã. Lãnh đạo tốt công tác
nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng
trong công tác cán bộ.
Có giải pháp chỉ đạo bầu đủ số lượng
đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đặc biệt coi trọng tới
chất lượng đại biểu, đồng thời đảm bảo cơ cấu hợp lý. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo
tốt việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại
biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Chỉ đạo tốt công tác tuyên truyền,
phổ biến sâu rộng về nội dung, yêu cầu, ý nghĩa của cuộc bầu cử; các quy định của
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Chỉ đạo chặt chẽ
việc bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; giải quyết kịp thời,
đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh:
Phạm Bằng
Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính
phủ, Đảng ủy MTTQ Việt Nam, các ban đảng ở Trung ương, Hội đồng bầu cử quốc
gia, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp sẽ ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai, hướng
dẫn thực hiện.
"Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới
mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thể hiện tinh thần trách nhiệm
cao nhất trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước cử
tri và Nhân dân. Đảng ủy Quốc hội sẽ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ Nghị
quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khoá XIII; phối hợp chặt chẽ, thực chất, thường xuyên với Đảng
ủy Chính phủ; quán triệt kỹ lưỡng tới Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội,
Tổ đảng các đoàn đại biểu Quốc hội để Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15 thành công
tốt đẹp", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu.
Phạm Bằng
Nguồn: baonghean.vn
(16/4/2025)