Bác bỏ luận điệu xuyên tạc cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay
Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác
tổ chức xây dựng Đảng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ảnh minh họa:
TTXVN
Bước chuyển mình lịch sử và những luận điệu xuyên
tạc
Công cuộc sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy đang
diễn ra trong toàn hệ thống chính trị. Việc tổ chức sắp xếp bộ máy từ Trung
ương tới địa phương theo hướng tinh, gọn, giảm đầu mối, tránh chồng chéo chức
năng, nhiệm vụ và xây dựng mô hình chính quyền ba cấp để giảm tầng nấc trung
gian đã và đang được triển khai thực hiện rất khẩn trương. Đây là những việc
làm rất khó, nhưng theo nhận định của Trung ương là khó mấy cũng phải làm, để
không lỡ thời cơ, khi đất nước đã hội đủ các yếu tố về kinh tế, chính trị, xã hội
sau gần 40 năm đổi mới. Thực hiện công cuộc đó không có mục tiêu nào khác là
xây dựng bộ máy hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả
hoạt động để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, tạo nền tảng vững chắc đưa đất
nước bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển.
Tinh thần khẩn trương của cả hệ thống chính trị
trong thực hiện tinh gọn bộ máy được cảm nhận rõ nét, nhân dân đồng tình ủng
hộ. Nhiều ý kiến cho rằng, chưa bao giờ những quyết sách của Trung ương lại đi
vào cuộc sống nhanh đến vậy. Từ nghị trường ở cấp cao nhất, tinh thần “vừa chạy
vừa xếp hàng”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”… đã trở thành mệnh lệnh hành động,
là động lực thôi thúc các tổ chức, cá nhân ở các cấp, các ngành trong toàn hệ
thống chính trị quyết tâm thực hiện. Tinh thần ấy lan tỏa sâu rộng, thổi luồng
sinh khí mới vào mọi mặt đời sống xã hội, tạo bước chuyển mình lịch sử để đất
nước bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng và giàu mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh đại đa số những ý kiến đồng
thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, một bộ phận tổ chức, cá nhân không
thiện chí và các thế lực thù địch lợi dụng bối cảnh để công kích, phản biện với
mục tiêu phá hoại. Thâm độc hơn khi các thế lực thù địch sử dụng những lập luận
che mắt những người mơ hồ về chính trị, không nắm rõ chủ trương, chính sách của
Đảng, Nhà nước để tuyên truyền, chống phá. Một số kênh truyền thông nước ngoài
như BBC, RFA, VOA… đăng tải nội dung “đổi mới ở Việt Nam là nửa vời vì không
đổi mới chế độ chính trị”, nhắm đến việc thay thế vai trò lực lượng lãnh đạo
duy nhất của Đảng ta bằng chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Với việc sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số
ban, bộ, sở, ngành cấp Trung ương và địa phương, số cán bộ cấp phó tăng hơn so
với quy định, các thế lực thù địch đã xuyên tạc với luận điệu: “Càng tinh gọn
lại càng phình ra”, “không hiệu quả”, “gây tốn kém tiền của của nhân dân”. Có
những đánh giá thiếu khách quan rằng “tinh giản biên chế là thiếu tính nhân
văn, khiến nhiều người mất việc làm”…
Để làm nhiễu loạn thông tin, chúng bịa đặt, thổi
phồng những hệ quả của việc sắp xếp tinh gọn bộ máy như: “làm môi trường đầu tư
kinh doanh bất ổn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài”, “nhà đầu tư đang rút
vốn”... Dù không trực tiếp làm việc, không có cơ hội sử dụng dịch vụ hành chính
công tại Việt Nam để cảm nhận môi trường đầu tư, nhưng các các trang truyền
thông như BBC New, trang YouTube Việt Tân, Đài Á Châu tự do RFA… cho rằng “tinh
gọn bộ máy tạo ra nhiều rào cản”, “doanh nghiệp sẽ loay hoay không biết gõ cửa
ở đâu”…
Còn với lực lượng vũ trang, chúng cho rằng trong xu
thế hòa bình, hội nhập thì việc xây dựng Quân đội mạnh là không cần thiết, tinh
gọn bộ máy thì nên “giảm quân”, kết thúc hoạt động của một số đơn vị, quân,
binh chủng. Cùng với đó là luận điệu “Quân đội đứng ngoài chính trị” như chúng
vẫn thường rao giảng.
Những điều dẫn ra trên đây là điển hình cho rất
nhiều luận điệu xuyên tạc cách mạng tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam
của các thế lực thù địch. Chúng ta cần tỉnh táo nhận diện, nhìn rõ bản chất để
đấu tranh bác bỏ, bảo vệ mục tiêu cao cả, tốt đẹp của chủ trương, chính sách có
tính bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Nhìn rõ bản chất
Trước hết phải khẳng định rằng, cách mạng tinh gọn
bộ máy hệ thống chính trị không phải là thay đổi chế độ chính trị. Đây là sự
đổi mới tư duy của Đảng ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của
dân, do dân, vì dân. Đổi mới hệ thống chính trị là tổ chức, sắp xếp lại các bộ
phận của hệ thống và đổi mới cơ chế hoạt động của hệ thống đó, xây dựng bộ máy
tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới đó nhằm phát huy tối đa
nguồn lực con người, giải phóng sức sản xuất, khi mà khoa học công nghệ, chuyển
đổi số đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp trong nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, cấp Trung
ương đã gương mẫu thực hiện trước, đồng thời chỉ đạo, triển khai thực hiện
quyết liệt ở các địa phương. Trên tinh thần không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, ở
cấp Trung ương sau khi tổ chức, sắp xếp lại đã giảm một số ban Đảng và nhiều
đầu mối cấp vụ; giảm 5 bộ, ngành, 3 cơ quan thuộc Chính phủ, nhiều đầu mối cấp
vụ của cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã
hội. Tương ứng ở các địa phương, số lượng đầu mối của các cơ quan cũng giảm
mạnh. Tới đây, dự kiến khi thực hiện mô hình chính quyền ba cấp, cả nước sẽ
giảm từ 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh xuống còn 34 đơn vị, không tổ chức cấp
huyện và giảm đơn vị hành chính cấp xã từ trên 10.000 xuống còn khoảng 3.320
đơn vị, giảm trên 18.000 cán bộ cấp tỉnh và gần 120.000 cán bộ cấp xã… Đó là
những con số biết nói, bác bỏ luận điệu “càng tinh gọn lại càng phình ra” của
các thế lực thù địch.
Chúng ta thừa nhận, không né tránh thực tế là sau
sáp nhập, cán bộ cấp phó ở một số cơ quan tăng cao hơn so với quy định. Vấn đề
này, Quốc hội đã bàn bạc kỹ lưỡng, đưa vào nghị quyết quy định về xử lý một số
vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước. Theo đó, chậm nhất là 5
năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu
lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải giảm theo đúng biên chế.
Đây là giải pháp phù hợp, vừa đảm bảo từng bước bố trí nhân sự đúng theo quy
định, vừa đảm bảo cho bộ máy đủ sức thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong giai
đoạn chuyển tiếp.
Ngược lại với những luận điệu xuyên tạc “gây lãng
phí, tốn kém tiền của”, việc tinh gọn bộ máy giảm đáng kể nguồn ngân sách chi
thường xuyên, từ đó giành nguồn lực cho đầu tư, phát triển, chăm lo chính sách
an sinh xã hội. Điển hình là mới đây, trên cơ sở khả năng cân đối tài chính của
Chính phủ, Bộ Chính trị đã quyết định miễn toàn bộ học phí cho học sinh công
lập ở các bậc học từ đầu năm học 2025 - 2026.
Thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, chúng
ta phải đối mặt và giải quyết hài hòa vấn đề một bộ phận cán bộ, người lao động
phải nghỉ việc. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Công việc sắp xếp, tinh
gọn tổ chức bộ máy là việc hết sức khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực
tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức, nhất là trong việc đề xuất giải thể,
sáp nhập một số cơ quan, tổ chức. Do đó, đòi hỏi sự đoàn kết, quyết tâm cao,
dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của từng cán bộ,
đảng viên, công chức, viên chức cùng với sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống
chính trị chúng ta mới có thể làm tốt được”.
Theo đó, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định
số 178/2024/NĐ-CP để đảm bảo chính sách, chế độ đối với lực lượng này. Cùng với
đó, Nghị định số 179/2024/NĐ-CP cũng được ban hành để quy định chính sách thu
hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho bộ máy Nhà nước. Với cách làm quyết liệt,
nhưng được chuẩn bị khoa học, bài bản, kỹ lưỡng, quyền lợi người lao động chắc
chắn sẽ được đảm bảo. Đồng thời đây cũng là dịp tái cơ cấu lại nguồn lực lao
động giữa các khu vực công, tư một cách hợp lý.
Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng
kinh tế trên 8% năm 2025, hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số ổn định
trong thời gian tới, thì rõ ràng tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, tránh chồng
chéo, hạn chế các khâu trung gian để nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh
doanh là việc làm rất cần thiết và đúng đắn. Ví dụ điển hình là khi sáp nhập Sở
Xây dựng, Sở Giao thông - Vận tải ở cấp tỉnh, doanh nghiệp khi làm thủ tục quy
hoạch mặt bằng khu công nghiệp thì chỉ phải xin thông tin quy hoạch các tuyến
giao thông, quy hoạch xây dựng tại sở mới, không phải xin và chờ ý kiến thống
nhất của hai sở như trước đây.
Từ đầu tháng 3/2025, các sở, ngành mới của các địa
phương đi vào hoạt động theo nguyên tắc thu gọn đầu mối hoạt động hiệu quả hơn
trước. Người dân, doanh nghiệp khi làm các thủ tục được giải quyết nhanh gọn.
Đây không chỉ là nhận định của các cơ quan quản lý, mà người dân, doanh nghiệp
là đối tượng được phục vụ đều khẳng định hiệu lực, hiệu quả tốt hơn. Cùng với
đó, việc sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh tới đây sẽ tạo dư địa, mở rộng không gian
phát triển mới, thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển
kinh tế.
Khẳng định rõ không có quân đội nào đứng ngoài
chính trị, Đảng ta luôn nhất quán thực hiện nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam
lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mặt khác, thời đại ngày nay, hòa bình, hợp tác là xu thế chính, song thời cơ và
thách thức, hợp tác với đấu tranh luôn đan xen, nguy cơ mất ổn định, xung đột
vũ trang luôn hiện hữu, trong khi Việt Nam có vị trí địa chính trị chiến lược
quan trọng ở khu vực và trên thế giới. Do đó, xây dựng
Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại là điều kiện tiên quyết để bảo vệ
môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn cho đất nước phát triển.
Thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, toàn quân đã
tiến hành giải thể, sáp nhập, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị, giảm các đầu mối
chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Bám sát việc tổ chức chính quyền ba cấp,
Quân đội cũng triển khai sắp xếp cơ quan quân sự địa phương phù hợp trên cơ sở
nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, lấy ý kiến dân chủ, rộng rãi ở các cấp. Việc xây
dựng Quân đội tinh, gọn luôn gắn liền với không ngừng nâng cao sức mạnh tổng
hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng bộ máy hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh,
hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là bước đột phá chiến lược, tạo tiền đề cơ bản để
đất nước ta vươn mình phát triển, hướng đến những giá trị tốt đẹp của xã hội
mới - xã hội chủ nghĩa. Mỗi công dân, mà trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên cần
nhận thức đúng đắn, xây dựng niềm tin chính trị vững chắc, luôn nêu cao tinh
thần cảnh giác, tích cực đấu tranh với mọi luận điệu chống phá của các thế lực
thù địch, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương lớn mà toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân ta đang ra sức thực hiện.
Hoàng Thanh Hiền
Nguồn: baomoi.com