Nhận diện âm mưu kích động kỳ thị dân tộc, phân biệt vùng miền trong việc sáp nhập tỉnh, thành phố hiện nay
Sự lan truyền của những thông tin sai sự thật còn khiến
một bộ phận người dân hiểu sai về chủ trương của Đảng, Nhà nước, gây khó khăn
trong công tác quản lý, điều hành. Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch,
các tổ chức, phần tử phản động gia tăng hoạt động chống phá, kích động kỳ thị,
phân biệt vùng miền trên không gian mạng.
Nhận diện âm mưu kích động chống phá
Trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu kích động
kỳ thị, phân biệt sắc tộc, vùng miền là chiêu bài nguy hiểm đã được các thế lực
thù địch thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Bài học về sự sụp đổ của
Liên Xô và Đông Âu cho thấy, các thế lực thù địch sử dụng triệt để chiêu bài kỳ
thị, phân biệt vùng miền đến chủ nghĩa dân tộc cực đoan để đòi quyền tự quyết
của các dân tộc, phá hoại các quốc gia không theo quỹ đạo của mình.
Quận Tây Hồ, Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh minh họa
Hay với một số quốc gia trên thế giới như Trung Quốc
trong vấn đề Tây Tạng, Nam Tư trong vấn đề Kosovo, mới đây là những cuộc xung
đột vũ trang, bạo loạn sắc tộc xảy ra ở Myanmar, Bangladesh… thể hiện rõ điều
này. Trên không gian mạng, các thế lực thù địch, các tổ chức, phần tử phản động
lưu vong đã triệt để lợi dụng vấn đề này để tung tin xuyên tạc, kích động kỳ
thị, phân biệt vùng miền nhằm thực hiện âm mưu “cách mạng màu” tại Việt Nam.
Các dân tộc ở nước ta bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và
giúp nhau cùng phát triển, Nhà nước nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân
tộc. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện, tạo điều kiện để các
dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển. Tuy nhiên, các thế lực thù
địch, các tổ chức, phần tử phản động vẫn luôn phủ nhận những thành quả của
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Bên cạnh việc phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, các đối tượng chống phá trong
và ngoài nước vẫn ráo riết lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, vùng miền để phá
hoại khối đại đoàn kết, âm mưu gây chia rẽ, xung đột vũ trang, bạo loạn sắc
tộc.
Vấn đề phân biệt vùng miền, sắc tộc tuy không mới nhưng
khi mạng xã hội phát triển, các thế lực chống phá đã tán phát thông tin, hình
ảnh, bình luận có tính công kích, miệt thị đăng tải trên nhiều nền tảng, trở
thành “trend” để một số cá nhân bêu xấu lẫn nhau. Lướt các video trên nền tảng
Tiktok hoặc các video Reels trên Facebook, không khó để bắt gặp những cụm từ
như “Parky”, “Namki”, “Namkiki”... Được biết, các cụm từ này được một bộ phận
người dùng tạo nên, dựa trên từ “Bắc kỳ” và “Nam kỳ” trước đây. Các đối tượng
tung ra những câu thể hiện rõ sự kỳ thị, chống phá như “đuổi người Kinh, trả
đất cho người dân tộc”; “sáp nhập tỉnh, thành là xoá đi lịch sử, đất đai của
đồng bào”… Những hoạt động kỳ thị, phân biệt vùng miền trên được đưa trên trang
tin của các tổ chức như Việt Tân, Chân trời mới Media, VOA Tiếng Việt…
Những hoạt động trên thể hiện rõ âm mưu lợi dụng vấn đề
kỳ thị, phân biệt vùng miền kết hợp với chia rẽ dân tộc, tôn giáo, kích động ly
khai, tự trị dân tộc để tập hợp lực lượng, lôi kéo quần chúng vào hoạt động
chống chính quyền và hướng đến thành lập cái gọi là “vương quốc”, hay “nhà nước
riêng - tôn giáo riêng”. Trọng tâm hoạt động kích động kỳ thị dân tộc, phân
biệt chủng tộc của các thế lực thù địch tập trung ở các địa bàn Tây Nguyên, Tây
Bắc, Tây Nam Bộ, vùng có đông đồng bào theo đạo. Trên phương diện quốc tế,
chúng tuyên truyền sai lệch nội dung Công ước quốc tế về các quyền dân sự và
chính trị, xuyên tạc tình hình về tự do dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Lợi
dụng các diễn đàn quốc tế để vu cáo Việt Nam “đàn áp người dân tộc”, kêu gọi
quốc tế can thiệp, gây sức ép ngoại giao với Việt Nam.
Đối tượng mà các thế lực thù địch, các tổ chức phản động
lưu vong nhắm đến là một bộ phận giới trẻ thiếu bản lĩnh chính trị và những đối
tượng có tư tưởng chống đối trong nước, những người có định kiến với Đảng, Nhà
nước, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tuyên truyền, lôi kéo người
dân tham gia vào các hội nhóm do chúng lập ra; thâm nhập vào các diễn đàn, mạng
xã hội để phát triển, tập hợp lực lượng, xây dựng ngọn cờ, tiến tới hình thành
và công khai hóa tổ chức núp dưới danh nghĩa các tổ chức xã hội dân sự hay tổ
chức phản biện xã hội.
Tỉnh táo trước những thông tin sai lệch trên mạng xã hội
Sáp nhập một số tỉnh, thành phố là chủ trương lớn, giúp
tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, tối ưu nguồn
lực và mở rộng không gian phát triển. Từ đó, các địa phương khai thác tốt tiềm
năng, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng
sống cho người dân.
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh không chỉ
đơn thuần căn cứ vào tiêu chí là diện tích tự nhiên, quy mô dân số mà còn phải
căn cứ vào các tiêu chí khác như an ninh quốc phòng, vị trí địa chính trị, quy
hoạch vùng, quốc gia, văn hóa của cộng đồng dân cư nhằm đảm bảo sự ổn định để
phát triển kinh tế - xã hội...
Sắp xếp đơn vị hành chính là công việc khó, nhạy cảm,
phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, tác động lớn đến người dân.
Do đó, quá trình triển khai, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực
phải lớn, hành động phải quyết liệt. Việc sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo
đảm tính tổng thể, đồng bộ, khoa học, chặt chẽ.
Tại Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 về triển khai
nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ
Chính trị nhấn mạnh các mục tiêu, yêu cầu như sau: Bảo đảm các nguyên tắc, mục
tiêu, yêu cầu theo các kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính
trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 18. Nghiên cứu định
hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số
đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp (tổ chức đảng, chính quyền,
đoàn thể) bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Việc sáp nhập tỉnh, thành phải được xem xét trên nhiều
yếu tố như quy hoạch, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an
ninh, đặc điểm văn hóa, lịch sử, dân tộc của địa phương... và được thực hiện
theo những trình tự, thủ tục chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Quốc hội là
cơ quan có thẩm quyền quyết định sáp nhập tỉnh, thành sau quá trình nghiên cứu
kỹ lưỡng, thấu đáo.
Thời gian qua, xuất hiện nhiều thông tin bịa đặt, sai sự
thật được chia sẻ trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, trong đó có
những bài viết mang tính kỳ thị, phân biệt vùng miền về chủ trương sáp nhập các
đơn vị hành chính chỉ sau vài giờ đã nhanh chóng thu hút được hàng trăm, hàng
ngàn lượt thích, bình luận, chia sẻ, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong dư
luận, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, doanh
nghiệp…
Những thông tin này lan rộng trên mạng xã hội tạo cơ hội
cho các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong lợi dụng để thổi
phồng, miệt thị Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Đáng tiếc là
không chỉ người thiếu hiểu biết mà ngay cả cán bộ, công chức cũng đã có trường
hợp vi phạm (mới đây, một cán bộ ở Hà Tĩnh bị đơn vị kỷ luật bằng hình thức
khiển trách do có hành vi sử dụng mạng xã hội TikTok bình luận với một số nội
dung khiếm nhã, phân biệt địa phương).
Do đó, người dân cần thận trọng trước các thông tin
không rõ nguồn; tiếp cận thông tin từ các nguồn chính thống như báo, đài phát
thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử của Trung ương và địa phương. Không
chia sẻ, lan truyền các thông tin không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng, đặc
biệt là những nội dung kỳ thị, phân biệt vùng miền liên quan đến sáp nhập tỉnh
hoặc thay đổi đơn vị hành chính. Việc phát tán thông tin sai lệch là tiếp tay
cho các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động, gây hoang mang dư luận
và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.
Tại Điều 5, Hiến pháp 2013 quy định: “Các dân tộc bình
đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi
kỳ thị, chia rẽ dân tộc”. Điều 116, Bộ luật Hình sự 2015 quy định hành vi phá
hoại chính sách đoàn kết có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; cao nhất từ 7
đến 15 năm nếu “gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền
bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.
Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ
về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông,
tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi,
bổ sung một số điều bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022), quy định:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng
xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên
tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá
nhân; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ
thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật
khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo,
thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ
chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục
bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân..., tùy tính chất và hậu quả gây ra
mà bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự như: Tội vu khống (Điều 156); Tội
làm nhục người khác (Điều 155); Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện
thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác
(Điều 159); Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước,
tổ chức, cá nhân (Điều 331)…
Liêm Chính - Bình Nguyên
Nguồn: cand.com.vn