Hoàn thiện thêm một bước trong sắp xếp tổ chức lại hành chính các cấp
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Ban Thường
vụ Đảng ủy Chính phủ về đề án sắp xếp các đơn vị hành chính. Ảnh: Dương
Giang/TTXVN
Đó là sắp xếp tổ chức lại hành chính các cấp và xây dựng
mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ đang hoàn thiện Đề án sắp
xếp tổ chức lại hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa
phương 2 cấp để báo cáo Bộ Chính trị. Sau sắp xếp, chính quyền địa phương sẽ có
2 cấp là cấp tỉnh và cấp cơ sở. Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng giảm
gần 50%, đơn vị hành chính cấp cơ sở giảm khoảng hơn 70% so với hiện nay.
Không chỉ tạo không gian phát triển, phát huy tiềm năng,
cơ hội, lợi thế cạnh tranh của các địa phương phù hợp với điều kiện phát triển
hiện nay, việc sắp xếp này còn nhằm nêu cao tính tự chủ, tự lực, tự cường của
các cấp chính quyền địa phương. Và để chính quyền gần dân hơn, sát dân hơn,
giải quyết công việc của người dân nhanh hơn, thuận lợi hơn; mang lại hạnh phúc
ấm no cho nhân dân nhiều hơn.
Dĩ nhiên, ngoài tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô
dân số, việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ xem xét các tiêu chí về lịch sử,
truyền thống, văn hóa, dân tộc, điều kiện địa lý, trình độ phát triển kinh
tế-xã hội, hạ tầng... Còn việc đặt tên đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng phải có
tính kế thừa, sự lựa chọn trung tâm hành chính - chính trị cũng cân nhắc các
yếu tố lịch sử, địa lý, kết nối hạ tầng, không gian phát triển, quốc phòng, an
ninh và hội nhập.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký quyết
định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các
cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, chiều 13/3, Ban
Chỉ đạo đã họp phiên thứ nhất.
Thông tin tại phiên họp cho thấy, hiện có 10.035 đơn vị
hành chính cấp xã, sẽ được tổ chức lại quy mô chỉ còn khoảng 2.000. Việc này
thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thể làm ngay sau Hội nghị
Ban Chấp hành Trung ương. Sau khi Hiến pháp sửa đổi; sửa đổi, bổ sung Luật Tổ
chức chính quyền địa phương và các luật có liên quan có hiệu lực, sẽ kết thúc
hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện.
Đối với việc bỏ đơn vị hành chính cấp huyện, khoảng 1/3
nhiệm vụ huyện đang đảm nhiệm sẽ chuyển lên tỉnh, 2/3 chuyển xuống cấp xã - cấp
cơ sở. Tên gọi của xã là gì, lộ trình thế nào, Bộ Chính trị sẽ quyết; trong
tuần sau, Bộ Chính trị chủ trương lấy ý kiến các tổ chức đảng, bộ, ngành, địa
phương.
Một vấn đề quan trọng đối với cuộc cách mạng sắp xếp,
tinh gọn bộ máy là công tác cán bộ. Về vấn đề này, Bộ Chính trị vừa ban hành
Kết luận 128-KL/TW về chủ trương tạm dừng tuyển dụng, bổ nhiệm, giới thiệu cán
bộ ứng cử đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị do sắp
xếp, tổ chức bộ máy.
Như vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị
- xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương tạm
dừng tuyển dụng, quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử
các chức vụ lãnh đạo, quản lý ở những tổ chức này và cơ quan, đơn vị trực
thuộc.
Cấp tỉnh cũng tạm dừng tuyển dụng, quy hoạch, điều động,
luân chuyển, bổ nhiệm, cho chủ trương kiện toàn chức danh Phó Bí thư, Chủ tịch
HĐND, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; kiện
toàn, bổ sung cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 và lãnh đạo cấp
trưởng, cấp phó Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần
chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Dĩ nhiên, cấp huyện, cấp xã cũng tạm dừng việc tuyển
dụng, quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức
vụ lãnh đạo, quản lý và kiện toàn, bổ sung cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, bí
thư, phó bí thư cấp huyện, cấp xã.
Kết luận 128-KL/TW cũng nêu rõ hướng thực hiện đối với
trường hợp đặc biệt, thật sự cần thiết, phải kiện toàn với một số chức danh.
Đáng chú ý, Nghị định 178/2024/NĐ-CP được Chính phủ ban
hành cuối năm 2024 với nhiều chính sách vượt trội nhằm tạo thuận lợi cho công
tác bố trí cán bộ trong sắp xếp tổ chức bộ máy, đồng thời giữ chân cán bộ có
năng lực, trình độ, có cống hiến. Song, quá trình thực hiện đã phát sinh bất
cập, cần mở rộng đối tượng và phạm vi để đáp ứng nguyện vọng của cán bộ.
Mới đây, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 75-TB/TW đồng ý
điều chỉnh phạm vi và đối tượng áp dụng chính sách, chế độ đối với cán bộ, công
chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp
tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Bộ Chính trị giao Đảng ủy Chính phủ tiếp
thu ý kiến Bộ Chính trị, chỉ đạo Bộ Nội vụ rà soát kỹ lưỡng các quy định tại
Nghị định để điều chỉnh cho hợp lý nhằm giải quyết triệt để những vướng mắc
phát sinh trong thực tiễn và khả thi khi triển khai thực hiện…
Với tinh thần khẩn trương, Bộ Nội vụ đã hoàn thiện dự
thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 178/2024/NĐ-CP để thể
chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị. Theo dự thảo Nghị định, bổ sung thêm
3 nhóm đối tượng hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi.
Cũng với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng” cuộc cách
mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang tiến hành mạnh mẽ ở các địa phương trên cả
nước. Tại Quảng Ninh tổ chức thành lập các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện do
Bí thư cấp ủy làm Trưởng ban.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn
vị hành chính cấp xã Vũ Đại Thắng đã nhấn mạnh, việc xây dựng đề án không tổ
chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã là công việc hệ
trọng, cấp bách đòi hỏi phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết
liệt của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh để hoàn thành công việc với khối lượng
rất lớn theo yêu cầu của Trung ương.
Hạnh Quỳnh
Nguồn: TTXVN