Đề xuất bỏ ‘biên chế suốt đời’ để cởi trói tư duy cho công chức, viên chức
Nhiều ý kiến
chuyên gia, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khẳng định tinh thần “học tập suốt đời”
của Tổng Bí thư Tô Lâm trở thành kim chỉ nam cho cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy
- nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Đặc biệt, có ý
kiến đề xuất bỏ “biên chế suốt đời” để “cởi trói tư duy” cho đội ngũ công chức,
viên chức phát huy năng lực trong thời đại mới.
Học tập suốt
đời, thích nghi chuyển đổi số
Cuộc cách mạng
công nghệ 4.0 đã thay đổi căn bản cách vận hành của bộ máy hành chính. Để bắt
kịp xu thế của thời đại, công chức không thể trì trệ, thiếu sáng tạo, không
chịu cập nhật kiến thức mới.
Đứng trước xu
hướng phát triển như vũ bão của công nghệ, tinh thần “học tập suốt đời” của
Tổng Bí thư Tô Lâm chính là kim chỉ nam, là điều kiện tiên quyết để đảm bảo mỗi
cá nhân có thể thích nghi với yêu cầu công việc ngày càng cao.
Chia sẻ với
Báo điện tử VTC News, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) khẳng định: "Công
chức không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghệ, công cuộc chuyển đổi số.
Nếu không tiếp cận công nghệ, không học hỏi và nâng cao kỹ năng, thì công chức
sẽ tự đẩy mình ra khỏi bộ máy Nhà nước".
ĐBQH biểu
quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tại Kỳ họp bất
thường lần thứ 9 bằng hình thức bấm nút điện tử. (Ảnh: quochoi.vn)
Ông Hòa lấy ví
dụ thực tế từ chính các đại biểu Quốc hội đã chuyển đổi từ sử dụng văn bản giấy
tờ sang làm việc hoàn toàn trên máy tính, iPad. Các tài liệu, dự thảo luật,
chương trình họp đều được lưu trữ và thao tác trên thiết bị điện tử, giúp tiết
kiệm thời gian, giảm tải công việc hành chính và nâng cao hiệu quả làm việc.
“Tôi là đại
biểu lớn tuổi nhưng lâu nay họp hành chỉ cần điện thoại và iPad là đủ. Bí thư
tỉnh Đồng Tháp đi họp cả tháng cũng chỉ điều hành công việc qua điện thoại,
laptop. Những người giữ trọng trách trong bộ máy Nhà nước cũng buộc phải thay
đổi để thích nghi với công nghệ số. Nếu đại biểu Quốc hội có thể chuyển đổi số
mạnh mẽ như vậy, thì không có lý do gì cán bộ, công chức ở các cấp không làm
được", ông Hòa nói.

Nếu không tiếp cận công nghệ, không học hỏi và nâng cao kỹ năng, thì công chức sẽ tự đẩy mình ra khỏi bộ máy Nhà nước (Đại biểu Phạm Văn Hòa)
Còn theo
PGS.TS Ngô Thành Can, nguyên Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự (Học
viện Hành chính Quốc gia), công chức không chỉ cần thay đổi tư duy làm việc mà
còn phải có trách nhiệm với từng hành động của bản thân.
"Khi công
chức làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, bộ máy sẽ vận hành hiệu quả, tiết
kiệm thời gian, giảm thiểu các thủ tục hành chính rườm rà và nâng cao chất
lượng phục vụ Nhân dân", PGS.TS Ngô
Thành Can nói.
Trong bối cảnh
hội nhập kinh tế và hành chính công hiện đại, công chức không chỉ cần trình độ
chuyên môn mà phải liên tục cập nhật các xu hướng công nghệ mới. Không có
chuyện công chức chỉ làm việc theo kiểu cũ mà vẫn đảm bảo hiệu quả. Muốn tồn
tại, họ phải linh hoạt, thích nghi và học hỏi không ngừng.
Theo đại biểu
Phạm Văn Hòa, công cuộc cải cách hành chính và tinh gọn bộ máy của Đảng đang
diễn ra mạnh mẽ, thúc đẩy tư duy quản lý theo kết quả thực chất. Không ai còn
có thể đứng yên trong vùng an toàn, không vị trí nào là bất biến. Điều này tạo
ra áp lực đổi mới và loại bỏ những cá nhân không đáp ứng yêu cầu công việc,
giúp nâng cao hiệu quả phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp.
“Xây dựng bộ
máy tinh gọn không chỉ là cắt giảm biên chế mà quan trọng hơn là nâng cao chất
lượng đội ngũ nhân sự. Việc siết chặt kỷ luật, loại bỏ những cán bộ trì trệ sẽ
giúp hệ thống công quyền vận hành hiệu quả, minh bạch và đáp ứng kỳ vọng của
Nhân dân”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Bỏ “biên chế
suốt đời” để “cởi trói tư duy” cho công chức
Hiện có tâm lý
cán bộ ngại thay đổi, thích ổn định “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, ngại tiếp
cận công nghệ, sợ trách nhiệm, thiếu tinh thần trong cải cách hành chính. Một
trong những rào cản lớn đối với hiệu suất làm việc của công chức là tư duy
“biên chế suốt đời”.
Theo đại biểu
Phạm Văn Hòa, việc giữ “biên chế suốt đời” tạo ra sự trì trệ, khiến công chức
không có động lực phấn đấu. Trong bộ máy hành chính hiện đại, ai làm tốt thì
được giữ lại, ai không làm được việc thì cần loại bỏ.
“Không thể có
chuyện ‘sáng cắp ô đi, tối cắp ô về’ mà vẫn hưởng lương đều đặn từ ngân sách
Nhà nước. Việc này cử tri phản ánh và tôi nhiều lần trong các phiên thảo luận.
Quốc hội cũng từng nhắc đến việc bỏ “biên chế suốt đời với công chức”, ông Hòa nói.
Việc siết chặt
kỷ luật, kỷ cương hành chính là điều cần thiết. Vì vậy cần loại bỏ tư tưởng
“sáng làm, chiều chơi”, đồng thời cương quyết xử lý cán bộ trì trệ, không chịu
đổi mới, đảm bảo bộ máy hoạt động năng động, sáng tạo và hiệu quả.
Thay vì biên
chế trọn đời, đại biểu Hòa đưa ra giải pháp là mô hình hợp đồng lao động với cơ
chế đánh giá minh bạch sẽ giúp tạo động lực cho công chức làm việc hiệu quả
hơn.
“Hợp đồng lao
động có thời hạn và được gia hạn dựa trên kết quả làm việc sẽ giúp loại bỏ
những cá nhân không đáp ứng yêu cầu, đồng thời khuyến khích tinh thần cống
hiến. Ai làm tốt giữ lại, ai không làm tốt thì cho thôi việc”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Theo đại biểu
Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, những quy định hiện
nay cũng không có khái niệm công chức, viên chức suốt đời.
Bà Nga cho
rằng, mỗi năm đều có sự đánh giá công chức, viên chức, và đi kèm với sự đánh
giá đó cũng có những quy định. Những người trong vòng thời gian nhất định không
hoàn thành nhiệm vụ, hay chỉ hoàn thành nhiệm vụ, không phải hoàn thành tốt
nhiệm cũng bị xử lý.
“Tại sao chúng
ta chưa thực hiện một cách nghiêm túc việc loại bỏ khỏi bộ máy những người
không hoàn thành nhiệm vụ? Bởi vì, trong quá trình đánh giá cán bộ, vẫn còn tâm
lý nể nang, nên chưa thể loại bỏ được những trường hợp năng lực yếu kém”, bà Nga nói.
Cho rằng có
nhiều người không làm tốt, không hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn “an toàn”, bà
Nga đề xuất cần thực hiện thật nghiêm túc khâu đánh giá, một cách khách quan.
“Ví dụ, đã có
quy định sau hai năm, hoặc ba năm không hoàn thành nhiệm vụ liên tiếp, những
cán bộ đó sẽ bị loại khỏi bộ máy”, đại biểu
Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.
Giao KPI để
loại bỏ tư tưởng ‘sống lâu lên lão làng’
Hiện nhiều cơ
quan vẫn đánh giá công chức dựa trên thâm niên thay vì hiệu quả công việc. Điều
này tạo ra tâm lý vào Nhà nước để có công việc ổn định thay vì cống hiến.
Cùng với đề
xuất bỏ “biên chế suốt đời”, giải pháp được đưa ra là áp dụng KPI vào từng cá
nhân tổ chức trong bộ máy công quyền.
Việc giao KPI
không chỉ dừng lại ở cấp lãnh đạo mà cần được áp dụng cho toàn bộ hệ thống cán
bộ công chức (PGS Ngô Thành
Can)
Theo PGS Ngô
Thành Can, việc áp dụng KPI vào quản lý công chức và lãnh đạo không chỉ là yêu
cầu khách quan và xu thế tất yếu. Muốn bộ máy tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu
lực, hiệu quả thì đi kèm bộ máy đó phải là những nhân sự có năng lực, trình độ
đáp ứng được yêu cầu công việc.
Chỉ khi nào
khu vực công rõ về các tiêu chí, chỉ tiêu, quá trình thực thi, các nguồn lực,
kết quả, khi đó mới có thể làm chủ được công nghệ, làm chủ được quá trình thực
thi công vụ.
“Việc giao KPI
không chỉ dừng lại ở cấp lãnh đạo mà cần được áp dụng cho toàn bộ hệ thống cán
bộ công chức. Khi mỗi cá nhân có mục tiêu công việc rõ ràng, họ sẽ có trách
nhiệm hơn với kết quả thực hiện của mình. Điều này giúp giảm tình trạng làm
việc đối phó, đùn đẩy trách nhiệm và nâng cao hiệu suất hoạt động của cơ quan
hành chính”, PGS. TS Ngô Thành Can cho hay.
GS.TS Hoàng
Văn Cường, đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học
Kinh tế Quốc dân cũng đồng tình với ý kiến trên. Với ông, việc áp KPI cho cơ
quan công quyền phải là xu thế.
“Không chỉ
Nghị quyết 25 của Chính phủ, luật liên quan đến ngân sách đã đưa ra yêu cầu
phải tiến tới quản lý đầu tư ngân sách theo kết quả đầu ra. Tức là tiền ngân
sách bỏ ra sẽ mang lại kết quả đầu ra là cái gì, đo lường được bao nhiêu. Đó
chính là chỉ tiêu KPI”, đại biểu Hoàng
Văn Cường khẳng định.
Ông Cường còn
cho rằng, khi Chính phủ đã có chỉ tiêu KPI cho từng bộ, ngành, địa phương thì
buộc các bộ, ngành, các địa phương phải phân chia chỉ tiêu KPI này thành các
chỉ tiêu nhỏ, áp cho từng bộ phận trong cơ quan, đơn vị. Từng bộ phận lại áp
cho từng người cán bộ, công chức.
Từ đó sẽ có cơ
sở để đánh giá, khen thưởng, kỷ luật không phải một tổ chức, một cơ quan, một
địa phương, với người đứng đầu mà còn là cơ sở để đánh giá đến từng cán bộ,
công chức.
Nói về những
rào cản khiến KPI gặp khó khi áp dụng vào quản lý, điều hành trong khu vực
công, đại biểu Hoàng Văn Cường đưa ra nhiều lý do.
Trong đó, ông
nhấn mạnh vào thói quen, lối mòn: “Từ trước đến nay, nhiều người cứ
tuân thủ chấp hành pháp luật, thế là hoàn thành tốt. Bây giờ, giao KPI thì
không phải cứ ngồi đó tuân thủ là được. Họ phải năng động, sáng tạo, tìm cách
để giải quyết được công việc. Họ sẽ không còn ỷ lại nói rằng vì luật pháp hay
vì quy định không cho phép mà buộc lòng phải làm để đạt chỉ tiêu KPI”.
Làm như vậy sẽ
thay đổi cả về tư duy quản lý của người đứng đầu, thay đổi về mặt phương thức
và năng lực của mỗi người cán bộ, công chức trong cơ quan công quyền.
Nếu đồng tâm,
đồng lòng thì đây sẽ là cơ hội tạo nên sự phát triển tiến bộ. Ngược lại, e sợ,
né tránh sẽ tạo ra một rào cản rất lớn cho quá trình áp dụng KPI.
Dựa trên cơ sở
đo lường, đánh giá đó thì sẽ có chế độ, chính sách thỏa đáng để đáp ứng cho
những người làm việc tốt, năng lực cao thì sẽ được hưởng thụ cao. Thậm chí, đấy
chỉ tiêu rất quan trọng để cân nhắc trong quá trình bổ nhiệm, thăng tiến, đề
bạt cán bộ.
“Nếu chúng ta
làm được như thế, rõ ràng nó sẽ tạo ra một cái môi trường cạnh tranh rất là
bình đẳng, tạo môi trường phấn đấu và tạo ra một cái môi trường để giữ chân
người tài, thu hút người tài vào khu vực công”, ông Cường chia sẻ thêm.
Yêu cầu mới
với công chức trong giai đoạn hiện nay bao gồm cải cách hành chính, chuyển đổi
số, tinh giản biên chế và đánh giá hiệu suất làm việc dựa trên kết quả thực tế.
Công nghệ số không chỉ thay đổi cách làm việc mà còn đòi hỏi công chức phải
thành thạo kỹ năng số để nâng cao hiệu quả công việc.
Đại biểu Phạm
Văn Hòa kiến nghị, việc triển khai KPI cần gắn với cơ chế khen thưởng – kỷ luật
minh bạch.
“Những cá nhân
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải được ghi nhận và khuyến khích, trả lương
thưởng, bổ nhiệm vào các vị trí xứng đáng. Ngược lại, trong khi những người
liên tục không đạt KPI cần bị đào thải, cho thôi việc. Đây là cách để tạo ra bộ
máy hành chính tinh gọn, hiệu quả và hoạt động vì lợi ích chung của xã hội”, ông Hòa nói.
Kim Thược - Ngọc Ánh
Nguồn: VTC
News