Bài viết của Chủ tịch nước Lương Cường nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam
11h30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng quân Giải phóng băng
qua cánh cổng sắt, đánh chiếm Phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng
của quân địch, kết thúc oanh liệt cuộc trường chinh 30 năm chống ngoại xâm của
dân tộc. Ảnh: Mai Hưởng/TTXVN
Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ nhưng những bài học kinh
nghiệm về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất
đất nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường đã có bài viết chia
sẻ về những bài học về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh trong kỷ
nguyên mới.
Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết:
THẮNG LỢI CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC - BÀI
HỌC VỀ XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN VỮNG MẠNH TRONG KỶ NGUYÊN MỚI
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với
đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, là một thắng lợi vĩ đại của lịch sử
hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, “mãi mãi được
ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu
tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ
con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX,
một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”[1].
Thắng lợi vĩ đại đó đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên
độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là
thành quả của nhiều nhân tố, đó là: Sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối chiến tranh, phương pháp cách mạng đúng đắn;
là tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo của quân và dân
ta trong suốt 21 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, hy sinh; là sức mạnh của
khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự chi viện to lớn của hậu phương miền Bắc và ý
chí quật khởi của tiền tuyến lớn miền Nam; là tình đoàn kết chiến đấu, gắn bó
keo sơn giữa ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia, cùng với sự giúp đỡ to lớn, quý
báu của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, sự đồng tình,
ủng hộ, cổ vũ của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương
Cường. Ảnh: TTXVN
Đóng góp vào thắng lợi vĩ đại đó có những chiến công xuất
sắc của lực lượng vũ trang nhân dân, sự hy sinh của hàng triệu anh hùng, liệt
sỹ. Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976) ghi nhận:
“Đại hội tuyên dương cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng,
suốt mấy chục năm ròng đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, từ gậy tầm vông, súng kíp
đã lớn lên thành những binh đoàn hùng mạnh, đánh thắng những kẻ thù hung ác,
lập được những chiến công oanh liệt từ trận Điện Biên Phủ đến Chiến dịch Hồ Chí
Minh, làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của quân đội ta, cùng với toàn dân viết
nên bản anh hùng ca kỳ diệu của chiến tranh cách mạng Việt Nam!”[2].
Để thực hiện thành công những nhiệm vụ chiến lược trong
cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng, Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm, chăm lo xây
dựng lực lượng vũ trang nhân dân phát triển lớn mạnh, làm nòng cốt cùng toàn
dân chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc thành quả cách
mạng. Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng những bài học kinh nghiệm về xây
dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến nay
vẫn vẹn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, nổi bật:
Một là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối,
trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của
Nhà nước đối với lực lượng vũ trang nhân dân.
Đây không chỉ là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà còn là nguyên tắc bất di, bất dịch trong xây
dựng lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng, Nhà nước ta. Ngay trong giai đoạn
đầu của cuộc kháng chiến, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 12 mở rộng (tháng
3/1957) đã ra Nghị quyết về vấn đề xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng. Nghị
quyết xác định phương châm “tích cực xây dựng một quân đội nhân dân hùng mạnh
tiến dần từng bước đến chính quy hóa và hiện đại hóa”[3] và xác định xây dựng
quân đội, củng cố quốc phòng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, Nghị
quyết chỉ rõ: “yếu tố quyết định là cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và
Chính phủ”[4].
Thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 12, dưới sự lãnh
đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung,
thống nhất của Nhà nước, sự đùm bọc, nuôi dưỡng, giúp đỡ của nhân dân, Quân đội
ta đã liên tục phát triển, ngày càng lớn mạnh, có đủ các thành phần, lực lượng
Lục quân, Hải quân, Phòng không - Không quân và các quân đoàn chủ lực; cùng các
lực lượng khác và toàn dân tạo nên sức mạnh tổng hợp lần lượt đánh thắng các
chiến lược chiến tranh của Mỹ-Ngụy.
Cùng với lãnh đạo xây dựng Quân đội nhân dân, Đảng, Nhà
nước ta đặc biệt quan tâm, chăm lo xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng Công
an nhân dân và Dân quân tự vệ. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban
Bí thư có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng
lực lượng Công an nhân dân thành lực lượng chuyên chính tuyệt đối trung thành
với Đảng, Nhà nước, liên hệ mật thiết với quần chúng, một lực lượng chiến đấu
vững mạnh, có tính chất vũ trang, có tổ chức chặt chẽ, tinh thông về nghiệp vụ
và có trình độ khoa học, kỹ thuật; đặt lực lượng Công an nhân dân dưới sự lãnh
đạo “trực tiếp, toàn diện và thống nhất về mọi mặt”[5] của Đảng.
Đối với lực lượng Dân quân tự vệ, trong cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta chủ trương “lấy củng cố làm chủ yếu, đồng thời phát
triển từng bước vững chắc ở khắp mọi nơi, trọng tâm là các vùng xung yếu,"
“các xí nghiệp, công, nông trường mới xây dựng đều phải có tổ chức tự vệ, có
cán bộ phụ trách chỉ đạo chặt chẽ”[6]; theo đó, lực lượng Dân quân tự vệ được
xây dựng, phát triển vững chắc, rộng khắp, vừa bảo đảm lao động sản xuất, vừa
bảo đảm nhiệm vụ trị an, tác chiến khi cần thiết.
Dự báo thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục có
nhiều biến động, diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó dự báo. Trong nước, sự
nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đạt được những thành tựu to lớn, có
ý nghĩa lịch sử; cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước được
nâng lên, là tiền đề quan trọng để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên phát
triển mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, đất nước còn phải
đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, xuất hiện những vấn đề phức tạp mới,
nhất là những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, trong xã hội chưa được giải quyết
dứt điểm; các thế lực thù địch tăng cường chống phá, phủ nhận vai trò lãnh đạo
của Đảng, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Tình hình đó đòi hỏi việc giữ
vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự
quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với lực lượng vũ
trang nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc càng trở nên
cấp thiết, có ý nghĩa quyết định quá trình phát triển, trưởng thành, chiến đấu
và chiến thắng của lực lượng vũ trang nhân dân.
Sáng 30/4/1975, từ khắp mọi hướng, hàng trăm xe tăng, xe
thiết giáp cùng bộ binh đồng loạt thẳng tiến Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn,
giải phóng Sài Gòn. (Ảnh: Mai Hưởng/TTXVN)
Bối cảnh mới đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh xây
dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị bằng những chủ trương, giải pháp
quyết liệt, đồng bộ, không ngừng, không nghỉ, toàn diện cả về chính trị, tư
tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Cùng với nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh
đạo các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, Đảng, Nhà nước tiếp tục
lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc
phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, gắn với xây
dựng, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang nhân
dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, có chất
lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, làm nòng cốt trong sự nghiệp quốc
phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tiếp tục nghiên cứu lý
luận, tổng kết thực tiễn, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều
hành của Nhà nước đối với lực lượng vũ trang nhân dân, gắn với tăng cường hiệu
lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, góp phần giữ vững và tăng
cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều
hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với lực lượng vũ trang nhân dân,
đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới; không để bị bị động, bất ngờ trước mọi tình
huống.
Hai là, đặc biệt coi trọng xây dựng nhân tố chính trị,
tinh thần của lực lượng vũ trang nhân dân.
Quán triệt sâu sắc luận điểm của V.I.Lênin: “Trong mọi
cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng
đang đổ máu trên chiến trường”[7] và quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không
quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của
toàn thể một dân tộc”[8], Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng công tác xây dựng và
phát huy nhân tố chính trị, tinh thần của lực lượng vũ trang nhân dân và toàn
dân, đặc biệt là trong cuộc kháng chống Mỹ, cứu nước, khi mà quân và dân ta
phải chiến đấu chống lại kẻ thù hung bạo, có tiềm lực kinh tế và quân sự bậc
nhất thế giới.
Đảng ta chỉ rõ: “Về mặt tư tưởng, phải quán triệt hơn nữa
quan điểm trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh nhất định thắng lợi; phải bồi
dưỡng ý chí kiên cường, tinh thần anh dũng chiến đấu, vượt mọi khó khăn gian
khổ, quyết tâm giết giặc cứu nước, tiến tới hoàn toàn giải phóng miền Nam,
thống nhất Tổ quốc; phải đề cao cảnh giác, khéo léo bảo toàn và che giấu lực
lượng, chống phiêu lưu mạo hiểm, nóng vội; phải giáo dục ý thức thắng không
kiêu, bại không nản”[9].
Để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, đáp
ứng yêu cầu nhiệm vụ của cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, ác liệt, Đảng ta
chủ trương trước hết phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư
tưởng, tiến hành chỉnh huấn chính trị trong toàn quân, củng cố lập trường giai
cấp công nông, nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa, tinh thần yêu nước
kết hợp chặt chẽ với tinh thần quốc tế chân chính, nâng cao tinh thần cảnh giác
cách mạng và bồi dưỡng chí khí chiến đấu; khắc phục tư tưởng giảm sút ý chí
chiến đấu, công thần, kiêu ngạo, tự do vô tổ chức, vô kỷ luật. Do xây dựng được
nhân tố chính trị, tinh thần vững chắc, lực lượng vũ trang nhân dân đã không sợ
gian khổ, hy sinh, không chịu khuất phục trước kẻ thù hung bạo, chiến đấu anh
dũng, mưu trí, sáng tạo, lập nên những chiến công hiển hách, cùng toàn dân
giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; làm rạng danh
đất nước, con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân được tạo nên bởi
nhiều nhân tố; trong đó, nhân tố chính trị, tinh thần là cơ bản nhất. Quán
triệt quan điểm “Người trước, súng sau” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tình
hình hiện nay tiếp tục xác định xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh
về chính trị là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là vấn đề có tính nguyên tắc, làm
cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ
trang nhân dân. Quán triệt nguyên tắc này, trước hết, cần tăng cường tuyên
truyền, giáo dục, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng
vũ trang nhân dân về chủ trương, đường lối quân sự, quốc phòng, an ninh của
Đảng. Trên cơ sở thấu triệt quan điểm “bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng
yếu, thường xuyên," lực lượng vũ trang nhân dân cần nêu cao tinh thần cảnh
giác cách mạng, thường xuyên nắm chắc tình hình, tham mưu và trực tiếp xử lý
kịp thời, hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, không để
bị động bất ngờ, ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột, mất an ninh, trật
tự, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước
chưa nguy.
Bộ đội lên máy bay vận tải vào miền Nam tham gia chiến
dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn (tháng 4/1975). Ảnh: TTXVN
Trước sự xuất hiện các hình thái chiến tranh, loại hình
tác chiến, không gian chiến lược, phương thức tiến hành chiến tranh mới, Quân
ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Công an Trung ương - Bộ Công an và cấp ủy,
chỉ huy, chính quyền các cấp cần đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục,
rèn luyện cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang nhân dân về mọi mặt; không ngừng
nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách
mạng, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hy sinh, dám đánh, biết đánh và quyết đánh
thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
trong mọi tình huống.
Ba là, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân đủ về số
lượng, có tổ chức, cơ cấu, thành phần đồng bộ, cân đối, hợp lý, có chất lượng
tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục xây dựng, phát triển lực lượng vũ
trang nhân dân gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân
tự vệ. Nghị quyết của Bộ Chính trị (họp từ ngày 6 đến ngày 10/12/1962) về tình
hình, phương hướng và nhiệm vụ công tác trước mắt của cách mạng miền Nam đã đề
ra phương châm xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang ở miền Nam, trong đó
xác định: “Phát triển rộng rãi du kích và dân quân, nâng cao chất lượng của bộ
đội chủ lực và bộ đội địa phương”[10]; đồng thời, xác định rõ phương hướng và
số lượng cụ thể của mỗi thứ quân cần tập trung xây dựng ở miền Nam.
Trong cuộc kháng chiến này, Đảng, Nhà nước ta xây dựng,
phát triển bộ đội chủ lực gồm các binh chủng và quân chủng. Trong đó, xây dựng
các quân đoàn chủ lực làm lực lượng nòng cốt trên chiến trường miền Nam. Quân
chủng Phòng không-Không quân, Quân chủng Hải quân được xây dựng và phát triển
ngày càng lớn mạnh, cùng nhân dân và các lực lượng khác đánh bại cuộc chiến
tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc. Cùng với
đó là việc tổ chức, phát triển các mặt trận, các khối chủ lực lớn ở các khu, bộ
đội vận tải chiến lược trên đường Trường Sơn, đã làm cho bộ đội chủ lực thực sự
là lực lượng chủ yếu để thực hiện chiến lược làm chủ và tiến công tiêu diệt
địch trên cả nước, cùng toàn dân chiến đấu giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống
nhất đất nước.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, bộ đội địa
phương được xây dựng và phát triển nhanh chóng trên cả nước, có sự phát triển
về chất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trên miền Bắc, bộ đội địa
phương được xây dựng đáp ứng với nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa với
nhiều đơn vị bộ binh, phòng không, công binh, pháo binh được thành lập… Trên
chiến trường miền Nam, tất cả các quận, huyện, thị xã, tỉnh, thành phố đều tổ
chức bộ đội địa phương để phát triển đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị,
phát triển ba mũi giáp công (quân sự, chính trị và binh vận) trên cả ba vùng
chiến lược (rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị).
Dân quân tự vệ được phát triển rộng khắp theo nguyên tắc
có tổ chức đảng lãnh đạo, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, công
trường, nông trường, nhà máy, xí nghiệp, với quy mô vừa và nhỏ, phù hợp với các
loại hình chiến tranh khác nhau, các tình huống khác nhau.
Việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã bảo đảm sự cân đối giữa các thứ quân, lực
lượng, phù hợp với sự phát triển của đấu tranh vũ trang cách mạng, với vị trí
chiến lược của từng thứ quân, phù hợp với đường lối chiến tranh nhân dân trong
từng thời kỳ, trên từng chiến trường và trên cả nước. Mỗi thứ quân, mỗi lực
lượng được huấn luyện, rèn luyện toàn diện, không ngừng nâng cao chất lượng
tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến; phối hợp
chặt chẽ với các lực lượng khác, tạo nên sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến
tranh nhân dân, cùng toàn dân làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Ngày nay, trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, lực
lượng vũ trang nhân dân cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, sắp xếp, tổ chức
lại, bảo đảm chất lượng, có số lượng, thành phần, tổ chức, cơ cấu phù hợp. Theo
đó, lực lượng vũ trang nhân dân cần quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm,
hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống
thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; về xây dựng Quân đội
nhân dân và Công an nhân dân, nhất là Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/01/2022
của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và
những năm tiếp theo, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về
đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh,
chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tiếp tục điều chỉnh tổ chức Quân đội nhân dân theo hướng
tinh, gọn, mạnh gắn với bố trí lại lực lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân
lực, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần, lực lượng, phù
hợp với đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân và khả năng bảo đảm
vũ khí, trang bị; điều chỉnh tổ chức bộ máy Công an nhân dân theo hướng bộ
tinh, tỉnh toàn diện, xã vững mạnh, bám cơ sở; xây dựng lực lượng dự bị động
viên hùng hậu, lực lượng Dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng
miền, trên biển. Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện quân sự,
trình độ kỹ, chiến thuật, giáo dục chính trị, rèn luyện toàn diện gắn với bảo
đảm tốt hậu cần, kỹ thuật cho lực lượng vũ trang nhân dân; đẩy mạnh hội nhập
quốc tế và đối ngoại quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp
và sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ quốc
phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bốn là, bảo đảm tốt vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực
lượng vũ trang nhân dân; tích cực nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn
nghệ thuật quân sự Việt Nam đáp ứng các loại hình chiến tranh và thực tiễn phát
triển của đối tượng tác chiến.
Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất, ngày
30/4/1975. Ảnh: Quang Thành/TTXVN
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với quan
điểm “Người trước, súng sau," Đảng, Nhà nước ta luôn xác định vũ khí,
trang bị là nhân tố cơ bản, tạo nên sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang.
Trên cơ sở đó, Đảng, Nhà nước ta có nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác
cải tiến, bảo đảm vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật cho lực lượng vũ trang
theo phương hướng: “kết hợp vũ khí thô sơ, vũ khí thông thường và vũ khí tương
đối hiện đại, tiến lên ngày càng hiện đại”[11]. Các biện pháp chính để cải
tiến, bảo đảm vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân trong giai đoạn
này là: mua sắm, nhận viện trợ, tự sản xuất trong nước, thu gom của địch; đồng
thời, sử dụng thành thạo, sáng tạo các vũ khí, trang bị hiện có với hiệu suất
cao. Nhờ đó, lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân đã có một
hệ thống vũ khí, trang bị tương đối đồng bộ, tương đối hiện đại, bảo đảm cho
chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu được nâng lên, đủ sức đánh bại kẻ thù
xâm lược có ưu thế vượt trội về vũ khí, trang bị.
Song song với bảo đảm vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ
trang nhân dân, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nghiên
cứu, phát triển và vận dụng sáng tạo, linh hoạt, nhuần nhuyễn nghệ thuật quân
sự phù hợp trong điều kiện mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Quy
luật phát triển của cuộc kháng chiến này ở miền Nam là kết hợp đấu tranh vũ
trang và đấu tranh chính trị, kết hợp chiến tranh cách mạng và khởi nghĩa vũ
trang, tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng, tiêu diệt địch và giành
quyền làm chủ. Trong đó, đấu tranh vũ trang giữ vai trò quyết định và chi phối
trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến bằng những chiến dịch quân sự quy mô
lớn. Các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân đã vận dụng linh hoạt, mềm dẻo và
không ngừng sáng tạo nghệ thuật tác chiến trong từng trận đánh, từng chiến
dịch, nhất là nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng, nghệ thuật cơ động lực
lượng, nghệ thuật tạo lập thế trận, nghệ thuật nghi binh, nghệ thuật chọn
hướng, mũi, mục tiêu tiến công và cách đánh… tạo nên ưu thế vượt trội về sức
mạnh để giành chiến thắng từng bước, tiến đến thắng lợi cuối cùng.
Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công
nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ
thuật quân sự, an ninh thế hệ mới, hiện đại cho lực lượng vũ trang trở thành xu
thế của nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện đại hóa lực lượng vũ trang, nhất là
Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước
ta, phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và
xu thế phát triển khoa học kỹ thuật quân sự, an ninh trên thế giới.
Để hiện thực hóa chủ trương đó, cùng với xây dựng con
người là nhân tố trung tâm, có ý nghĩa quyết định, cần quan tâm bảo đảm tốt vũ
khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang nhân dân, mà giải pháp có tính
bền vững lâu dài là phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.
Tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối về phát
triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh với phương châm chủ động, tự
lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của
công nghiệp quốc gia, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, bảo đảm tốt vũ khí, trang
bị cho lực lượng vũ trang trong mọi tình huống. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu
lý luận, tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm thế giới để phát triển nghệ
thuật quân sự, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội trong tình
hình mới.
Năm là, xây dựng và phát triển mối quan hệ gắn bó máu
thịt giữa lực lượng vũ trang với nhân dân, cùng toàn dân thực hiện thắng lợi
đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng.
Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản
Việt Nam và Bác Hồ tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, mang bản chất giai
cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, chiến đấu vì mục tiêu, lý
tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Dựa chắc vào nhân dân, tuyệt đối
trung thành, phục vụ nhân dân và đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân vừa là
nguyên tắc căn bản trong nâng cao bản chất cách mạng, tính nhân dân và tính dân
tộc của lực lượng vũ trang, vừa là nét đẹp truyền thống quý báu của Quân đội
nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
dạy: “Điểm trọng yếu là bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du
kích đều phải bám sát lấy dân, rời dân ra là nhất định thất bại. Bám lấy dân là
làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu. Như vậy thì bất kể việc
gì khó cũng làm được cả và nhất định thắng lợi”[12].

Các đơn vị bộ binh và xe tăng tiến vào Sài Gòn trên xa lộ
Biên Hòa. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sự nuôi dưỡng,
đùm bọc, chở che, giúp đỡ của nhân dân, được nhân dân cung cấp nhân lực và vật
lực với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” đã
giúp lực lượng vũ trang nhân dân nhanh chóng phát triển lớn mạnh. Nghị quyết
của Bộ Chính trị (tháng 12/1962) xác định: “Quá trình phát triển của cuộc chiến
tranh yêu nước của nhân dân miền Nam là quá trình phát triển của một cuộc chiến
tranh du kích, toàn dân, toàn diện và trường kỳ, chống lại một kẻ địch mạnh,
tàn bạo và thâm độc”[13]. Vì vậy, xây dựng và phát triển bền vững mối quan hệ
gắn bó máu thịt giữa lực lượng vũ trang với nhân dân, cùng toàn dân chiến đấu
và chiến thắng không chỉ là vấn đề có tính nguyên tắc, mà còn là sách lược chủ
yếu để thực hiện thắng lợi đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong những năm 1959-1960, lực
lượng vũ trang đã hỗ trợ đắc lực cho nhân dân miền Nam vùng lên, tiến hành
phong trào Đồng khởi, làm chủ nhiều vùng nông thôn rộng lớn. Trong những năm đế
quốc Mỹ thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), quân và dân
miền Nam đẩy mạnh phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi," kết hợp đấu
tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; đồng thời, vận động đồng bào trong các
ấp chiến lược đấu tranh, kết hợp với các đòn tiến công quân sự và binh vận, phá
vỡ kế hoạch lập ấp chiến lược của Mỹ - ngụy. Khi đế quốc Mỹ chuyển sang thực
hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” (1965-1968), quân và dân ta tiếp tục thực
hiện cuộc kháng chiến toàn dân, chủ động tiến công địch trên cả ba vùng chiến
lược, đồng thời đánh thắng các cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền
Bắc. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và cuộc
Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất
đất nước là những biểu tượng sinh động nhất của sức mạnh toàn dân kháng chiến
với lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt dưới sự lãnh đạo sáng suốt của
Đảng.
Trong giai đoạn hiện nay, Quân đội nhân dân, Công an nhân
dân, Dân quân tự vệ cần không ngừng phát huy truyền thống vẻ vang, đặc biệt là
xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao tinh thần
trách nhiệm phục vụ nhân dân, bảo vệ nhân dân. Phát huy bản chất, truyền thống
và thành tựu đã đạt được lực lượng vũ trang nhân dân cần tiếp tục thực hiện tốt
hơn nữa công tác dân vận bằng những việc làm thiết thực nhằm góp phần nâng cao
đời sống vật chất, tinh thần và cuộc sống bình yên của nhân dân; xung kích đi
đầu trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu
nạn, cứu hộ, sẵn sàng có mặt ở những nơi xung yếu, hiểm nguy để bảo vệ tính
mạng và tài sản của nhân dân. Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia
xây dựng lực lượng vũ trang và nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân
gắn với xây dựng “thế trận lòng dân” vững mạnh, phát huy vai trò to lớn của
nhân dân trong thực hiện đường lối quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, tạo
nên sức mạnh tổng hợp to lớn để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là
thành quả vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Khẳng định sự lãnh đạo tài
tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoạch định đường lối
kháng chiến, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, đáp ứng với yêu cầu cao của
cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Lực lượng vũ trang nhân dân đã làm tròn
sứ mệnh cao cả, cùng toàn dân hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn
toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó có những bài học về xây dựng lực lượng
vũ trang nhân dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần tiếp tục được nghiên cứu,
vận dụng và phát huy hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong kỷ nguyên mới./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập
37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 471.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 37, tr. 474.
[3]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd,tập 18, tr. 287.
[4]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 18, tr. 300.
[5]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 22, tr. 257.
[6]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 22, tr. 243.
[7] V.I.Lênin,Toàn tập,tập 41, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005,tr. 147.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4,tr. 89.
[9]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 23, tr. 147.
[10]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 23, tr. 831.
[11]Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Chiến tranh cách
mạng Việt Nam 1945-1975 - Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật,
Hà Nội, 2015, tr. 338.
[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4,tr. 448.
[13]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 23, tr. 818.
Theo vietnamplus.vn