Tri ân liệt sỹ - Điểm tựa tinh thần để xây dựng khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Lịch sử dân tộc
Việt Nam là bản anh hùng ca bất tận của lòng yêu nước, ý chí quật cường và khát
vọng vươn lên không ngừng trong hành trình dựng nước và giữ nước. Trên mỗi chặng
đường gian khổ mà vẻ vang ấy, hàng triệu người con ưu tú đã ngã xuống, hiến
dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân, thậm chí cả tính mạng cho lý tưởng cao cả: giành
độc lập, giữ vững tự do và xây dựng một đất nước hạnh phúc, phồn vinh. Những hy
sinh ấy không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà đã lắng đọng thành mạch nguồn tinh
thần bất diệt, hun đúc nên bản lĩnh, khí phách và tâm hồn Việt Nam - làm nên
sức mạnh nội sinh để dân tộc vượt qua mọi thử thách, tự tin vươn lên trong công
cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Chủ tịch Hồ Chí
Minh từng khẳng định:“Máu đào của các
liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói, sự hy sinh của các liệt sĩ đã
làm cho Tổ quốc ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”[1].
Lời dạy ấy vừa là sự tôn vinh thiêng liêng, vừa là lời nhắn nhủ trách nhiệm:
lòng biết ơn phải đi liền với hành động, với khát vọng kế tục, hiện thực hóa lý
tưởng cách mạng trong thời đại mới.
Trong bối cảnh
toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc phát huy truyền thống
“Uống nước nhớ nguồn” không chỉ là đạo lý cần gìn giữ, mà còn là yêu cầu chiến
lược để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước nhanh, bền vững, hướng tới mục
tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, dân
chủ, công bằng, văn minh[2].
"Uống nước
nhớ nguồn" - Truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và
giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hình thành và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, đạo
lý bền vững. Trong đó, “Uống nước nhớ nguồn” là một truyền thống quý báu, thể
hiện sâu sắc tinh thần tri ân, biết ơn những người đã cống hiến, hy sinh cho
đất nước. Truyền thống ấy đã thấm sâu vào tâm thức dân tộc từ thời các vua
Hùng, gắn liền với những huyền thoại như Lạc Long Quân - Âu Cơ, Thánh Gióng, và
được khắc ghi qua các thế hệ anh hùng dân tộc như Trưng Trắc, Trần Hưng Đạo, Lý
Thường Kiệt…
Ngày 2/9/1955, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát
triển truyền thống ấy thành giá trị cách mạng trong thời đại mới. Câu nói bất
hủ của Người: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau
giữ lấy nước” không chỉ thể hiện lòng tri ân tiền nhân mà còn là mệnh lệnh lịch
sử cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh,
truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” được cụ thể hóa qua các phong trào: “Đền ơn
đáp nghĩa”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, chăm sóc thương binh, liệt sĩ, người
có công - những biểu hiện sống động của một xã hội nhân văn, công bằng, tiến
bộ.
Đảng và Nhà nước luôn khẳng định: chăm lo
đời sống vật chất, tinh thần cho người có công là trách nhiệm chính trị, đạo lý
và pháp lý của cả hệ thống chính trị. Chính sách ưu đãi và sự tham gia tích cực
của nhân dân trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã làm nên bản sắc văn hóa
chính trị giàu tính nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ
phát triển mới, truyền thống ấy càng cần được phát huy như một nguồn động lực
tinh thần mạnh mẽ để khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của
toàn dân tộc, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước phồn
vinh, hạnh phúc.
Tri ân liệt sĩ
- Nguồn động lực tinh thần thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước
Tri ân các anh
hùng liệt sĩ không chỉ là đạo lý truyền thống mà còn là nguồn lực tinh thần to
lớn, hun đúc ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của dân tộc trong kỷ
nguyên phát triển mới. Mỗi bước tiến của đất nước hôm nay đều thấm đẫm sự hy
sinh của hàng triệu người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do. Chủ tịch Hồ
Chí Minh từng căn dặn: "Đời đời nhớ ơn các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc,
vì nhân dân.”[3]
lời nhắc nhở đầy tính nhân văn, khẳng định vai trò của thế hệ đi trước trong
việc xây nền cho hiện tại và tương lai.
Việc tri ân liệt
sĩ không chỉ dừng lại ở nghi lễ tưởng niệm hay các công trình ghi công, mà cần
được thể hiện qua những hành động thiết thực: nâng cao hiệu lực quản lý nhà
nước, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ
thống chính trị vững mạnh. Đây chính là biểu hiện sinh động của việc “đáp
nghĩa” trong thời đại mới.
Những năm qua,
Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi người có công. Cả nước đã
xác nhận trên 9,2 triệu người có công, trong đó có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, gần
140 nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hàng nghìn nhà tình nghĩa được xây dựng,
hàng trăm nghìn hồ sơ được giải quyết, thể hiện sự quan tâm thiết thực của cả
hệ thống chính trị đến đối tượng chính sách.
Tuy nhiên, ý
nghĩa sâu xa hơn của tri ân chính là khơi dậy khát vọng cống hiến, lý tưởng
phụng sự Tổ quốc trong thế hệ trẻ. Những phong trào như “Thắp nến tri ân”,
“Hành trình theo bước chân những người anh hùng” không chỉ là hoạt động tưởng
niệm mà còn là môi trường giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc,
bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm và ý chí vươn lên.
Trong kỷ nguyên
hội nhập và phát triển, tinh thần tri ân cần được chuyển hóa thành động lực
sáng tạo, thành nội lực mạnh mẽ để khơi dậy bản lĩnh Việt Nam, phát huy trí
tuệ, khoa học - công nghệ và văn hóa, góp phần đưa đất nước phát triển bền
vững. Tri ân liệt sĩ, do đó, không chỉ là truyền thống văn hóa mà còn là “sức
mạnh mềm” đặc biệt, tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho tiến trình hiện đại
hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Phát huy giá
trị truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” trong sự nghiệp xây dựng đất nước hùng
cường, hạnh phúc
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” không chỉ
là trách nhiệm đạo lý của các thế hệ người Việt Nam mà còn là yêu cầu khách
quan nhằm tạo dựng nền tảng tinh thần vững chắc cho công cuộc xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới. Truyền thống đó cần tiếp tục được khơi
dậy, bồi đắp để trở thành động lực thôi thúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt
qua mọi khó khăn, thách thức, hiện thực hóa khát vọng vươn lên trở thành quốc
gia phát triển.
Sáng 15/5/2025, trong chương trình thăm và làm việc tại Nghệ An, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác Trung ương và Lãnh đạo tỉnh Nghệ An ân cần trò chuyện, thăm hỏi gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Sáu. Ảnh: Thành Cường
Thứ nhất, phát huy giá trị truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cần gắn liền với
việc nâng cao nhận thức chính trị, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Đặc biệt
trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, những giá trị đạo đức
truyền thống đang chịu sự tác động của nhiều luồng tư tưởng phức tạp, thì việc
bồi dưỡng lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội cho thanh
niên càng trở nên cấp bách. Đảng ta nhấn mạnh: “Tăng cường giáo dục lý tưởng
cách mạng, đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ; xây
dựng thế hệ con người Việt Nam thời đại mới phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo
đức, thể chất, năng lực sáng tạo và kỹ năng nghề nghiệp”[4].
Truyền thống tri ân liệt sĩ chính là một phương tiện hữu hiệu để thực hiện nhiệm
vụ này.
Thứ hai, việc phát huy giá trị truyền thống phải đi đôi với thực hiện tốt
hơn nữa các chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công. Theo Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2023, cả nước đã hỗ trợ xây mới và sửa
chữa trên 8.000 nhà tình nghĩa, giải quyết hơn 99% hồ sơ tồn đọng xác nhận người
có công[5].
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy vẫn còn những trường hợp mà chính sách chưa
thực sự đến đúng đối tượng hoặc chưa được thực hiện kịp thời, đầy đủ. Điều này
đòi hỏi cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, mở rộng phạm vi và đối tượng
thụ hưởng các chính sách ưu đãi, đặc biệt là nâng cao chất lượng chăm sóc y tế,
giáo dục, đào tạo nghề nghiệp cho thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và
Bà mẹ Việt Nam anh hùng; đảm bảo họ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống, phát
huy khả năng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên hết, chủ
trương “không để ai bị bỏ lại phía sau” cần được quán triệt và thực thi một
cách toàn diện, coi đó là nguyên tắc bất biến, phản ánh bản chất nhân văn, tiến
bộ của chế độ ta, đồng thời là thước đo cụ thể về hiệu quả của công cuộc đổi mới
và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.
Thứ ba, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cần được phát huy trong xây dựng
khối đại đoàn kết toàn dân tộc - nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi
mới và hội nhập quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đoàn kết là một truyền
thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các
chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của
mắt mình”[6].
Truyền thống tri ân liệt sĩ có khả năng gắn kết các tầng lớp xã hội, các dân tộc
anh em, các tôn giáo, các thế hệ người Việt Nam ở trong và ngoài nước thành một
khối thống nhất, cùng hướng về mục tiêu chung là xây dựng một nước Việt Nam hòa
bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Thứ tư, cần chuyển hóa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” thành động lực
thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Việc
đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát hiện và nhân rộng các điển hình
tiên tiến, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh
vực của đời sống xã hội chính là cách thiết thực để tri ân các thế hệ đi trước.
Đó cũng là con đường ngắn nhất để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045
trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao mà Đảng đã xác định tại Đại hội
XIII.
Như vậy, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”
trong giai đoạn hiện nay không chỉ đơn thuần là giữ gìn một giá trị đạo lý, mà
còn là yêu cầu chiến lược nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện, bền vững và trường
tồn của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XXI.
Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 không chỉ là dấu mốc
tưởng niệm, mà còn là biểu tượng thiêng liêng nhắc nhớ mỗi người Việt Nam về
giá trị của độc lập, tự do và sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước để bảo
vệ Tổ quốc, gìn giữ chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh dân tộc đang bước
vào kỷ nguyên phát triển mới với khát vọng hùng cường, việc phát huy truyền thống
“Uống nước nhớ nguồn” càng mang ý nghĩa thời sự. Truyền thống ấy cần được hiện
thực hóa bằng những chính sách nhân văn, hành động cụ thể, khơi dậy tinh thần cống
hiến, đổi mới sáng tạo và ý chí tự lực tự cường trong toàn xã hội - nhất là ở
thế hệ trẻ. Đó là nền tảng tinh thần bền vững để Việt Nam tiếp tục vững bước
trên con đường phát triển, hội nhập sâu rộng và khẳng định vị thế trong thế giới
đương đại.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, NXB Chính trị quốc
gia – Sự thật, H.2011, tr.401.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật,
H.2021, tr.112.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn
tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 401.
TS. Thái Doãn Việt - Trường Chính trị tỉnh Nghệ An