image banner
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Bài học về sự kết hợp ý Đảng lòng Dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Nghệ An trên quê hương Xô Viết anh hùng

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, Nghệ An là căn cứ địa vững chắc của Quân khu 4, là một trong những căn cứ địa quan trọng của cả nước và của cả chiến trường Đông Dương, là cửa ngõ trực tiếp của miền Bắc chi viện miền Nam, địa bàn triển khai lực lượng của Trung ương khi bước vào chiến đấu. Nghệ An cùng các tỉnh trong Quân khu 4 là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến miền Nam và là tiền tuyến của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã cùng cả nước, vì cả nước, vượt qua mọi thử thách gian nguy, phấn đấu giành được thắng lợi toàn diện trong cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước. 

Anh-tin-bai

Quân khu IV - Mảnh đất kiên cường trên tuyến đầu chống Mỹ cứu nước (ảnh tư liệu)

Những thắng lợi của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An giành được trước hết là nhờ có đường lối và sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Đảng bộ Nghệ An đã vận dụng sáng tạo, triển khai kịp thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, đường lối của Đảng, nhiệm vụ của địa phương. Nhân dân tuyệt đối tin tưởng ở Đảng, ở Bác Hồ, gắn bó mật thiết với Đảng, với chủ nghĩa xã hội. Chính nhờ vậy mà khối đại đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, các dân tộc và sự nhất trí cao trong toàn xã hội đã tạo nên sức mạnh và hiệu lực chưa từng có như thời chống Mỹ, cứu nước.

Trên tinh thần đó, Đảng bộ Nghệ An đã phát động sâu rộng cuộc chiến tranh nhân dân, vũ trang hóa toàn dân, động viên quyết tâm của toàn dân và các lực lượng vũ trang, tạo thành phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, toàn dân đánh máy bay tàu chiến, bắt giặc lái, toàn dân phòng tránh, khắc phục hậu quả, toàn dân đảm bảo giao thông vận tải, chi viện tiền tuyến, đánh thắng từng bước leo thang, từng thủ đoạn chiến tranh và lập nhiều chiến công vang dội trên các lĩnh vực góp phần đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và giành thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước.

 

Khắc phục hậu quả chiến tranh, hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa (tháng 7/1954 - 1957)

Hiệp định Giơnevơ được ký kết, chấm dứt chế độ thực dân cũ của Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Nhưng với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, đế quốc Mỹ và tay sai đã lợi dụng tình hình phức tạp để chống phá quyết liệt hệ thống xã hội chủ nghĩa và phong trào hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội; xem Việt Nam là một trong những mục tiêu tấn công, đánh phá. Nghệ An không phải là chiến trường trực tiếp nhưng bị địch đánh phá thiệt hại nghiêm trọng. Việc thực hiện triệt để phá hoại để kháng chiến đã ảnh hưởng lớn đến các cơ sở kinh tế - văn hóa, xã hội; thiên tai diễn biến phức tạp, dịch bệnh, nạn đói nghiêm trọng diễn ra nhiều nơi trong tỉnh [1]. Bên cạnh đó, các thế lực phản động bên trong câu kết với kẻ thù bên ngoài lợi dụng một số điểm sơ hở trong Điều 14 của Hiệp định Giơnevơ mở chiến dịch cưỡng ép dụ dỗ đồng bào di cư vào Nam, gây xáo trộn tình hình, làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ở miền Tây Nghệ An, địch tung thổ phỉ, biệt kích, gián điệp phá hoại biên giới nước ta [2].

Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và sự hướng dẫn của Ban chỉ đạo miền núi Nghệ An, quân và dân Nghệ An đã kiên trì, khéo léo, sâu sát trong tuyên truyền, vận động giáo dân và kiên quyết trấn áp bọn đầu sỏ, tay sai; tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang ở cơ sở để đối phó với kẻ thù kết hợp với vận động tổ chức sản xuất, bảo vệ an ninh chính trị từng bước đẩy lùi âm mưu thâm độc và hành động trắng trợn của chúng; làm cho đồng bào yên tâm phấn khởi đẩy mạnh sản xuất để cứu đói; tăng cường sự đoàn kết trong đồng bào các dân tộc thiểu số, tích cực phối hợp lực lượng vũ trang chống địch, bảo vệ sự bình yên cho bản làng.

Đồng thời, tập trung lãnh đạo đẩy mạnh các phong trào làm thủy lợi, tăng gia sản xuất, tiết kiệm, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn; xây dựng tổ đổi công, phục hồi phát triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, thương nghiệp. Phát triển kinh tế trung du miền núi gắn liền với cuộc vận động "đoàn kết sản xuất"; các hoạt động văn nghệ, y tế, giáo dục... Động viên nhân dân các dân tộc và các lực lượng vũ trang trong tỉnh nêu cao tinh thần đoàn kết cách mạng và ý chí tự lực, tự cường, dồn tất cả tâm lực đẩy lùi nạn đói (năm 1954, 1956). Nhờ vậy mà cuối năm 1957, tình hình kinh tế xã hội và các mặt đời sống trong tỉnh đã dần ổn định.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nghệ An thực hiện cải cách ruộng đất vào đợt III, kể từ tháng 3/1955 đến tháng 6/1956 căn bản hoàn thành [3]. Công cuộc cải cách ruộng đất ở Nghệ An hoàn thành đã xóa bỏ ách áp bức bóc lột của giai cấp địa chủ, đem lại ruộng đất cho dân nghèo; củng cố tăng cường khối liên minh công, nông và chính quyền cách mạng; người nông dân được hưởng quyền tự do dân chủ phấn khởi xây dựng chế độ mới. Tuy nhiên, công cuộc cải cách ruộng đất ở Nghệ An mắc phải những sai lầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến phong trào cách mạng. Thực hiện việc sửa sai trong cải cách ruộng đất, Đảng bộ đã triển khai thực hiện thành ba bước và hoàn thành cơ bản vào cuối tháng 9/1957. Công tác sửa sai gắn với việc chấn chỉnh kiện toàn tổ chức đảng, các cấp chính quyền và đoàn thể đã củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với Đảng.

 

Đảng bộ lãnh đạo thực hiện kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế - văn hóa (1958 - 1960)

Trong thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, thu được những thành tích đáng kể: Hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế. Nông nghiệp phát triển khá toàn diện, sản lượng lương thực và năng suất vượt xa trước chiến tranh. Về công nghiệp đã tập trung xây dựng mới nhiều cơ sở sản xuất và tu bổ những cơ sở cũ, có những bước cải tiến trong công tác quản lý, làm cho công nghiệp quốc doanh chiếm ưu thế trong nền kinh tế địa phương. Các lĩnh vực kinh tế khác giữ được thế ổn định và đi lên. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế phát triển nhanh. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, vai trò lãnh đạo được nâng cao; bộ máy chính quyền và các tổ chức quần chúng được kiện toàn, củng cố. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, tạo niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ mới.

Thành tựu nổi bật trong thời kỳ 1958 - 1960 là Đảng bộ đã gắn chặt việc cải tạo với phát triển, phát triển đi đôi với củng cố nên hầu như ở ngành kinh tế nào cũng đều có các phong trào thi đua sôi nổi, nhất là những ngành kinh tế quan trọng như nông nghiệp, công nghiệp nhằm xây dựng, củng cố các hợp tác xã, các xí nghiệp các công, nông, lâm nghiệp nên hạn chế được sai lầm, khắc phục dần những yếu kém trong công tác quản lý, tạo đà phát triển mới. Công tác xây dựng Đảng, củng cố, kiện toàn các tổ chức quần chúng và bộ máy chính quyền các cấp luôn được quan tâm đúng mức. Do đó, vai trò lãnh đạo của Đảng được nâng cao, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp được tăng cường, vai trò làm chủ của nhân dân được phát huy.

 

Thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội (1961 - 1965)

Sau khi hoàn thành cơ bản nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ Nghệ An tập trung lãnh đạo thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất với hai nhiệm vụ chính: tập trung cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Nghệ An; đẩy mạnh các phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch 5 năm và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ.

Để hoàn thành được nhiệm vụ chính trị của mình, Đảng bộ đã phát động và lãnh đạo thực hiện hàng loạt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và cách mạng như "Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong", "Cờ Ba Nhất", "Thanh niên 5 tốt” và “Phụ nữ 5 tốt", phong trào "4 biến", "3 xây, 3 chống"... Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều đơn vị và cá nhân tiêu biểu  như chi đoàn thanh niên Hợp tác xã Hoàng Văn Thụ (Tiến Thành- Yên Thành), đoàn xã thanh niên (Vĩnh Thành- Yên Thành), chi đoàn thanh niên Hợp tác xã Bơ Tơ (Hưng Nguyên) làm thủy lợi, phân bón trồng cây. Hội nhụ nữ xã Nghi Thu (Nghi Lộc) chăn nuôi lợn giỏi. Hội phụ nữ Diễn Bình (Diễn Châu), Hoa Thành (Yên Thành), Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu) học tập văn hóa, sắp xếp gia đình và nuôi dạy con cái tốt. Trong phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa đã có 1510 đoàn viên đạt danh hiệu kiện tướng làm thủy lợi, làm phân bón... 395 đoàn viên, thanh niên được công nhận “Trai gái Đại Phong” của tỉnh, 1054 đoàn viên xuất sắc được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam [4].

Đang trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất thì đế quốc Mỹ và bọn tay sai liên tục quấy phá, đặc biệt là ở vùng miền Tây Nghệ An, gây cho ta nhiều khó khăn, phức tạp. Trước tình hình đó, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An chủ động chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng đối phó với những âm mưu và hành động phiêu lưu của đế quốc Mỹ và tay sai, phá tan các âm mưu nhen nhóm hoạt động vũ trang phản cách mạng nhất là “Châu Phà” ở Kỳ Sơn và Tương Dương (1963- 1964). Nhiều toán gián điệp, biệt kích, thám báo bị bắt sống và tiêu diệt các hoạt động khiêu khích, tập kích của tàu biệt kích Mỹ ngụy vào các đảo ven bờ, cho đến  những trận máy bay ném bom bắn phá đồn biên phòng Nậm Cắn và làng Noọng Dẻ, Kỳ Sơn... đều bị trừng trị kịp thời.

Tháng 8/1964, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Ngay trận đầu, quân, dân thành phố Vinh đã bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ [5]. Đây là chiếc máy bay bị bắn rơi đầu tiên trên miền Bắc. Với chiến công xuất sắc ấy, quân dân tỉnh nhà đã được Bác Hồ biểu dương, khen ngợi (ngày 7/8/1964).

 

Lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, chiến đấu chống chiến tranh phá hoại và chi viện cho miền Nam (1965-1975)

Trước tình hình đế quốc Mỹ gây ra cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Đảng ta kịp thời quyết định các chủ trương lớn: Chuyển hướng xây dựng kinh tế phù hợp với thời chiến; tăng cường lực lượng quốc phòng, tổ chức phòng tránh... quyết tâm đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ; chi viện cao nhất sức người, sức của để miền Nam giành thắng lợi quyết định.

Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, các phong trào thi đua yêu nước và cách mạng trên các mặt trận sản xuất, chiến đấu và sẵn sàng ra trận được phát động sôi nổi, rộng khắp. Trong quân đội có khẩu hiệu "Nhằm thẳng quân thù mà bắn!"; trong công nhân có phong trào "Tay búa tay súng"; thanh niên có phong trào "ba sẵn sàng"; phụ nữ có phong trào "ba đảm đang"; trong thủy lợi có chiến dịch "Lam Trà nổi sóng"; "Mộ Đức quật khởi"; trong giao thông vận tải có khẩu hiệu "Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm" hoặc "xe chưa qua nhà không tiếc".... Toàn tỉnh quyết tâm phấn đấu với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến! Tất cả để giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc".

Trải qua 10 năm (1965 -1975), vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa chống chiến tranh phá hoại, vừa chi viện cho chiến trường Miền Nam, Nghệ An đã phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng:

(1) Trong 2 lần chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ đối với miền Bắc xã hội chủ nghĩa (từ năm 1965 - 1973), Nghệ An là một địa bàn trọng điểm, đầu cầu tiếp nhận và chuyển tải chiến lược, Nghệ An cùng các tỉnh trong Quân khu 4 trở thành tiền tuyến của hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa. Đế quốc Mỹ đã huy động một lực lượng máy bay (có B52 và F111) tàu chiến, khu trục hạm đánh phá vào Nghệ An trên 3 vạn trận với gần 70 vạn quả bom các loại và trên 10 vạn đạn pháo các cỡ [6]. Chúng còn tung hàng chục toán gián điệp biệt kích hòng phá hoại nội địa, kết hợp rải bom, mìn phong tỏa bờ biển, cho tàu thuyền khống chế và vây bắt dân đánh cá trên biển. Hầu hết các thôn xóm, làng bản, thị trấn, thành phố, cơ sở chính trị, kinh tế, văn hóa đều bị đánh phá. Gần 1.000 trạm xá, bệnh viện, trường học bị phá hủy. Toàn bộ hệ thống giao thông vận tải và nhiều vùng trọng điểm như Hoàng Mai, Cầu Cấm, Đô Lương, Nam Đàn, Bến Thủy, thành phố Vinh... bị đánh đi đánh lại có tính chất hủy diệt. Riêng khu vực Bến Thủy không đầy 2 km2, địch đã đánh 2.912 trận [7]. Chúng lại luôn thay đổi thủ đoạn đánh phá, làm cho tình hình nhiều lúc hết sức căng thẳng. Nhưng nhờ có đường lối đúng đắn, sự lãnh đạo tài tình của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, sự cổ vũ động viên của tiền tuyến lớn anh hùng, của tỉnh Quảng Ngãi kết nghĩa, Đảng bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang tỉnh đã cùng với lực lượng của Bộ và Quân khu tiêu diệt một bộ phận quan trọng có tính chất chiến lược của không quân Mỹ. Bắn rơi 553 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái sừng sỏ, bắn chìm, bắn cháy 36 tàu chiến, tàu biệt kích của Mỹ ngụy [8], đảm bảo giao thông vận tải trong tỉnh thông suốt và luôn giữ vững hành lang chiến lược của quốc gia, địa phương.

(2) Trên mặt trận kinh tế, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ổn định và phát triển, quy mô được mở rộng. Đặc biệt trên lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh đạt 5 tấn thóc/ha trên diện tích gieo đồng ổn định 2 vụ vào năm 1972. Đời sống vật chất của nhân dân cơ bản được ổn định, đời sống văn hóa được nâng lên, sự nghiệp giáo dục phát triển mạnh đã cung cấp hàng vạn thanh niên có trình độ văn hóa cao cho quốc phòng và các ngành kinh tế. Các mặt y tế, văn hóa, thể thao cũng phát triển phong phú, đa dạng và sâu rộng, thiết thực phục vụ sản xuất, chiến đấu, động viên khí thế và niềm lạc quan của quân dân toàn tỉnh, góp phần xây dựng sức mạnh tổng hợp của hậu phương chiến lược.

(3) Nung nấu ý chí “Xây dựng bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam”, quân dân Nghệ An đã chi viện hết sức mình cho tiền tuyến. Nhân tài, vật lực Nghệ An chi viện cho tiền tuyến với khối lượng ngày càng lớn, chất lượng ngày một tăng, “thóc thừa cân, quân thừa người”. Chỉ tính từ năm 1958 đến năm 1975 đã có trên 163 ngàn nam, nữ thanh niên vào bộ đội, hàng chục ngàn anh chị em gia nhập thanh niên xung phong, hàng triệu lượt dân công theo sát bước chân bộ đội khắp các chiến trường [9].

(4) Trên chiến trường phía Tây, với tinh thần quốc tế vô sản cao cả, quân dân Nghệ An luôn coi việc đoàn kết chiến đấu với quân dân Lào như nhiệm vụ thiết thân của chính mình. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và hàng trăm chuyên gia các ngành đã liên tục bám trụ, sát cánh cùng lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Bạn chiến đấu, xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng phong trào quần chúng từ khi cách mạng Bạn gặp khó khăn, bị vây ép, bị phân tán, đối phó với các hoạt động truy quét của địch- cũng như khi Bạn phục hồi phát triển, mở các cuộc tấn công, các chiến dịch lớn tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng cho đến khi cách mạng Bạn toàn thắng (1975).

Thắng lợi của quân và dân trên quê hương Xô-Viết anh hùng giành được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có ý nghĩa lịch sử quan trọng, không chỉ giành được thành quả to lớn, chiến công vẻ vang mà còn là bài học về sự kết hợp ý Đảng, lòng dân trong tổ chức thực hiện đường lối và quyết tâm chiến lược của Đảng. Sự kết hợp ấy đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để quân dân Nghệ An cùng cả nước, vì cả nước, vượt qua mọi gian khổ hy sinh đập tan mọi âm mưu thủ đoạn phá hoại của bọn phản động và các thế lực thù địch, đánh thắng từng bước leo thang, tiến lên đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, giữ vững và đảm bảo thông suốt mạch máu giao thông chiến lược quốc gia qua địa phương. Đồng thời huy động nhân tài vật lực đáp ứng đến mức cao nhất yêu cầu của miền Nam và nước bạn Lào (nhất là tỉnh Xiêng Khoảng); dốc sức cùng cả nước dành toàn thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Những bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó có những bài học về sự kết hợp ý Đảng, lòng dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng và phát huy hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hồng Vui (Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy)

 

[1]. Lụt lớn tháng 9/1954, bão lụt tháng 9/1956 trên toàn tỉnh nên đói kém, dịch bệnh, tệ nạn xã hội diễn ra nghiêm trọng 

[2]. Tháng 8/1954 phỉ từ Noọng Hét đột nhập qua biên giới móc nối với bọn phản động nội địa cướp bóc tài sản nhân dân, phá hoại chính quyền ở các xã Mỹ Lý, Hữu Khuông, Tà Cạ, Mậu Thạch, Bảo Nam, Kim Sơn; ngày 24/9/1955, 19 tên phỉ cướp phá bản Phiêng Phạt, ngày 19/10/1955, từ Noọng Hét tên trùm phỉ Vàng Pao cùng 160 tên phỉ khác sang cướp phá vùng Keng Đu...

[3]. Trong toàn tỉnh đã đem 105.287 mẫu ruộng, 10.112 con trâu bò, 8.719 ngôi nhà, 16.430 nông cụ, gàn 8.500 tấn lương thực chi cho 143.590 hộ nông dân. Riêng miền núi tới khi cải cách dân chủ kết thúc thì vấn đề ruộng đất đối với nông dân mới được giải quyết căn bản.

[4] Thường vụ Tỉnh ủy- Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, Nghệ An- Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954- 1975), 1995, tr.56,57.

[5]. Từ tháng 3/1962 đến tháng 7/1964, các đơn vị công an nhân dân vũ trang và quân dân Nghệ An đã bắt sống và tiêu diệt gọn 5 toán gián điệp biệt kích gồm 40 tên. Thường vụ Tỉnh ủy- Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, Nghệ An- Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954- 1975), 1995, tr.332.

[6],[7],[8],[9]. Thường vụ Tỉnh ủy- Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, Nghệ An- Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954- 1975), 1995, tr.332. tr.333, 334.