Phòng 3 VKSND tỉnh Nghệ An phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An xử lý cơ sở sản xuất giá đỗ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm
Vừa qua, Phòng 3 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An xử lý cơ sở sản xuất giá đỗ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Nhận thức được tầm
quan trọng của quy định về an toàn thực phẩm, liên quan đến tính mạng, sức khỏe
của con người, kiên quyết xử lý
nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về
an toàn thực phẩm, Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm
sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ (Phòng 3) VKSND tỉnh
đã phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An (CSKT) tiến hành
kiểm tra, khám xét 03 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn thành phố Vinh của các
đối tượng gồm: Lưu Văn Trung
(SN 1977, địa chỉ cơ sở sản xuất: Hộ
gia đình ông Nguyễn Văn Huấn, số 03, ngõ 137, đường Đặng Chánh Kỳ, phường Nghi
Phú, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An);
Lưu Mạnh Hưởng (SN 1993, địa chỉ cơ sở sản xuất tại đường Vĩnh Giang, phường
Trung Đô, TP.Vinh); Nguyễn Văn Hướng
(SN 1998, địa chỉ cơ sở sản xuất: Số
21, ngõ 123, đường Phạm Hồng Thái, khối Yên Giang, phường Vinh Tân, TP.Vinh, tỉnh
Nghệ An).
Trước đó, Cơ quan
CSĐT Công an tỉnh Nghệ An (CSKT) tiến hành kiểm tra hành chính việc chấp hành
các quy định về môi trường, an toàn, vệ sinh thực phẩm tại 03 cơ sở nêu trên;
phát hiện các cơ sở có dấu hiệu vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, Cơ
quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã báo cáo Lãnh đạo Công an tỉnh, Lãnh đạo VKSND
tỉnh, trao đổi với Phòng 3 VKSND tỉnh phương pháp, cách thức tổ chức kiểm tra,
xác minh theo trình tự, thủ tục tố tụng.
VKSND tỉnh (Phòng 3)
và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An trao đổi, lập kế hoạch khám xét
Thực hiện chỉ đạo của
Viện trưởng VKSND tối cao tại Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 12/12/2024 về công
tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2025 “Thực hành quyền công tố chủ động hơn
với tinh thần 4S “Sớm hơn, sát hơn, sâu hơn, sắc hơn”, Lãnh đạo VKSND tỉnh
đã cử Kiểm sát viên Phòng 3 trực tiếp tham gia, phối hợp với Điều tra viên lập
kế hoạch khám xét tại các cơ sở sản xuất giá đỗ. Trong quá trình khám xét, Kiểm
sát viên cùng với Điều tra viên đã vận động chủ các cơ sở sản xuất thành khẩn
khai báo về hành vi sử dụng chất kích thích (chất cấm) trong quá trình sản xuất
giá đỗ, tự nguyện giao nộp công cụ, phương tiện phục vụ việc sản xuất sản phẩm
giá đỗ, đặc biệt là các hộp chứa chất kích thích tăng trưởng. Các đối tượng đã
đầu thú, thừa nhận việc có sử dụng chất kích thích tăng trưởng (chất cấm) được
gọi là “nước kẹo” trong quá trình sản xuất giá đỗ để giúp thân giá đẹp, to, mập mạp, mọng nước, trắng bóng, cọng
dài, rễ ngắn hoặc rất ít rễ, nặng cân hơn nhằm thu được lợi nhuận cao khi bán
ra thị trường.
.png)
Kiểm sát viên kiểm
sát việc khám xét tại các cơ sở sản xuất
Chủ các cơ sở sản xuất khai nhận,
các cơ sở sản xuất bắt đầu hoạt động từ khoảng đầu năm 2021, sản xuất giá đỗ với
quy trình 05 ngày; mỗi ngày, tại mỗi cơ sở xuất bán ra thị trường khoảng 01 tấn
giá đỗ có phun chất kích thích tăng trưởng, thường được gọi là “nước kẹo”, là một
dung dịch chất lỏng không màu, không mùi, có độ sệt hơn nước thông thường. Theo
quy trình sản xuất, đến ngày thứ 3, các đối tượng sẽ phun nước kẹo” vào các lu
giá đỗ để kích thích tăng trưởng nhanh, hình thức sản phẩm đẹp.
Trên cơ sở kết quả khám xét,
VKSND tỉnh (Phòng 3) và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh (CSKT) thống nhất việc có căn
cứ tiếp nhận người phạm tội đầu thú, thu giữ vật chứng, tạm giữ hình sự 04 đối
tượng là chủ các cơ sở sản xuất theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Qua khám xét, đã thu giữ tại 03 cơ sở hơn 2000 lu giá đỗ
với khối lượng khoảng trên 20 tấn giá đỗ.
Do khối lượng giá đỗ
tại các cơ sở sản xuất lớn, trong quá trình khám xét khẩn cấp tại các cơ sở sản
xuất, Kiểm sát viên được phân công đã phối hợp và yêu cầu Điều tra viên về cách
thức kiểm đếm số lượng, cân khối lượng, phân loại giá đỗ theo ngày tuổi, lấy mẫu
giám định, trực tiếp gặp hỏi chủ cơ sở sản xuất cũng như những người khác có
liên quan về kỹ thuật, quy trình sản xuất giá đỗ.
Kết luận giám định của Viện khoa
học hình sự Bộ Công an xác định trong các mẫu giá đỗ và mẫu nước thu tại 03 cơ
sở sản xuất nêu trên có chất 6-Benzynlaminopurine (6-BPA). 6-Benzynlaminopurine
(6-BPA) trong nông nghiệp được sử dụng làm chất kích thích tăng trưởng cây trồng.
Sở Y tế và Sở Nông nghiệp & Môi trường tỉnh Nghệ An xác định: chất
6-Benzynlaminopurine không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử
dụng tại Việt Nam.
Sau khi có kết quả định giá tài sản,
xác định hành vi của các đối tượng đã đủ yếu tố cấu thành tội Vi phạm quy định
về an toàn thực phẩm, quy định tại Điều 317 BLHS, ngày 18/4/2025, Phòng 3 đã
tham mưu Lãnh đạo VKSND tỉnh phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với 04 đối
tượng gồm Lưu Mạnh Hưởng, Trần Khắc Duy, Nguyễn Văn Hướng, Lưu Văn Trung về tội
Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, quy định tại Điều 317 BLHS, đồng thời
phê chuẩn Lệnh tạm giam đối với 04 bị can này.
Kiểm sát viên kiểm sát việc tống đạt các quyết định tố tụng cho bị can
Hiện VKSND tỉnh (Phòng 3) đang phối
hợp với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An (CSKT) để mở rộng điều tra vụ án, xử
lý triệt để hành vi vi phạm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe
người tiêu dùng.
Trần
Hương Giang - Phòng 3 VKSND tỉnh Nghệ An