Phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng trước thềm Đại hội XIV
Tuy nhiên, các thế lực
thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động lợi dụng đẩy mạnh các hoạt động
xuyên tạc, hạ uy tín, chống phá, phủ nhận vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng,
gây hoang mang dư luận...
Những thủ đoạn “bổn cũ
soạn lại”
Mỗi kỳ Đại hội Đảng, trên
các phương tiện, trung tâm truyền thông chống cộng ở hải ngoại, trang thông
tin, mạng xã hội của các tổ chức phản động lưu vong lại lợi dụng đẩy mạnh tuyên
truyền quan điểm sai trái, thù địch về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam. Có thể nhận diện ở một số vấn đề sau đây:
Một là, trong chiến lược
“Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch, phản động coi việc phủ nhận, bác bỏ
vị trí, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là trọng tâm, là
con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để xóa bỏ thành quả cách mạng, xóa bỏ con
đường xây dựng CNXH ở Việt Nam, hướng lái Việt Nam phát triển theo quỹ đạo tư
bản chủ nghĩa. Các đối tượng xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam, đòi Đảng ta phải thoái lui, thực hiện “đa nguyên, đa đảng”, kiến
nghị xây dựng nhà nước “tam quyền phân lập”; thực hiện cái gọi là giá trị “tự
do, dân chủ, nhân quyền” theo kiểu phương Tây; từ đó gây tâm lý hoài nghi, dao
động, làm giảm sút niềm tin trong nhân dân vào vai trò lãnh đạo, cầm quyền của
Đảng, vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Hai là, các đối tượng
xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, phủ nhận cơ sở lý luận về vai trò lãnh
đạo, vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ra sức tuyên truyền cho luận
điệu “chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời”; “chủ nghĩa Mác - Lênin là lý thuyết
suông về CNXH không tưởng, không có thực”... Đây là luận điệu hết sức nguy hiểm
bởi nó cố tình đánh đồng giữa vấn đề đa nguyên, đa đảng với dân chủ và phát
triển. Mục đích của chúng là phủ nhận vị trí, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của
Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lịch sử của dân tộc, lấy cớ cổ xuý cho ý đồ xây
dựng, hình thành những đảng phái chính trị đối lập, chống phá từ bên trong.
Ba là, trên nhiều kênh
trung tâm thông tin nước ngoài, các trang mạng của tổ chức phản động lưu vong
và trang mạng cá nhân của các đối tượng chống đối cho rằng, việc Đảng kết hợp
mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH là siêu hình, trái quy luật về xu thế phát
triển của thế giới. Lại có ý kiến đưa ra lý lẽ lập lờ, nội hàm bảo vệ lợi ích
quốc gia, dân tộc mà Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là mông lung, khó khả thi
vì bảo vệ Tổ quốc chỉ là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền quốc gia
chứ không phải là bảo vệ một đảng phái, một chế độ chính trị nào. Có ý kiến quy
kết “chế độ độc đảng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam khiến Việt Nam hiện
vẫn là một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu”. Các đối tượng tiếp tục dẫn chứng sự
sụp đổ của Liên Xô và hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu để biện minh cho quan
điểm của mình…
Bốn là, phủ nhận vai trò
lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, các thế lực thù địch, phản động còn ra sức lợi
dụng những tiêu cực nảy sinh trong đời sống xã hội, các tồn tại, hạn chế trong
giáo dục, y tế, môi trường, vấn đề suy thoái, tham nhũng, lãng phí… để gây
nhiễu dư luận, xuyên tạc bản chất của chế độ; coi những tiêu cực đó có nguyên
nhân do sự lãnh đạo của Đảng. Nguy hiểm hơn, các đối tượng đưa ra luận điệu
“tham nhũng là hệ quả tất yếu của chế độ độc đảng”; việc sắp xếp tổ chức, bộ
máy thực chất là “đấu đá trong nội bộ Đảng”... Từ đó, các thế lực này lớn tiếng
hô hào đòi thay đổi chế độ, thực hiện “đa nguyên, đa đảng”.
Năm là, đẩy mạnh tuyên
truyền xuyên tạc, khoét sâu vào việc một số cán bộ cấp cao bị kỷ luật hoặc bị
xử lý hình sự do vi phạm kỷ luật của Ðảng, pháp luật của Nhà nước. Chúng tìm
mọi thủ đoạn để phát tán luận điệu coi đó là mất đoàn kết, thống nhất trong Ðảng;
thổi phồng, xuyên tạc công tác sắp xếp đơn vị hành chính, tìm mọi cách xuyên
tạc, tung tin, tác động, chia rẽ nội bộ ta hòng phá hoại công tác nhân sự, công
tác xây dựng Đảng với những chiêu bài nguy hiểm. Chúng triệt để sử dụng các
trang mạng xã hội, Internet, blog cá nhân để phát tán các thông tin xấu độc,
xuyên tạc cho rằng công tác nhân sự là “tạo lập phe cánh”, “thanh trừng phe
phái”. Chúng tạo cớ xuyên tạc, tung ra các quan điểm sai trái, thù địch nhằm đả
kích, bôi nhọ lãnh đạo, phủ nhận thành quả cách mạng, phủ nhận giá trị tư
tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh nhằm “hạ bệ thần tượng” của Đảng và toàn dân tộc,
xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên CNXH của nước ta.
Không ngừng đổi mới
phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
Trên phương diện lý luận,
cuộc đấu tranh về tư tưởng, lý luận là một bộ phận quan trọng của cuộc đấu
tranh giai cấp, đấu tranh chính trị. Trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng
sản”, C. Mác và Ph. Ăngghen đã nói đến sự lo sợ của giai cấp tư sản về chủ nghĩa
cộng sản như “bóng ma ám ảnh châu Âu” và sự liên kết chống phá quyết liệt của
chúng. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin nhiều lần khẳng định, trong
tất cả các giai đoạn phát triển, các thế hệ cách mạng trên toàn thế giới đều
phải kiên quyết, kiên trì, không ngừng đấu tranh bảo vệ sự nghiệp cách mạng
chân chính của giai cấp, của dân tộc, trong đó có cuộc đấu tranh về tư tưởng,
lý luận bảo vệ vai trò, vị trí lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Do vậy, đây là âm
mưu, bản chất, nhất là Đại hội Đảng là thời điểm các thế lực thù địch, cơ hội
chính trị, phản động tăng cường hoạt động chống phá.
Về phương diện lịch sử,
trong suốt chiều dài hơn một thế kỷ qua, có giai đoạn tồn tại cùng Đảng Cộng
sản Việt Nam từng có Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ... tham chính, song vì không thể
đảm nhiệm được sứ mệnh lịch sử nên cuối cùng đã tự rút lui. Trong suốt hơn 95
năm ra đời, phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn được các tầng lớp nhân dân
tin tưởng, đồng lòng ủng hộ, đi theo sự lãnh đạo của Đảng, góp sức và làm nên
những thành tựu của sự nghiệp cách mạng. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của
mình bằng việc tham gia xây dựng, góp ý, hoàn thiện Hiến pháp, pháp luật.
Về phương diện chính trị,
pháp lý, vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước
và hệ thống chính trị được hiến định tại Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Trong Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và hiện nay, Hiến pháp năm 2013 tiếp
tục khẳng định vai trò, vị trí lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Về thực tiễn, trải qua
gần 40 năm đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quy mô
GDP đã tăng hơn 100 lần, từ con số 4 tỷ USD lên hơn 470 tỷ USD năm 2024. Năm
2024, tốc độ tăng trưởng đạt 7,09% (thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng
trưởng cao trong khu vực và thế giới); kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát
được kiểm soát; GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành đạt 114
triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023. Dưới sự
lãnh đạo của Đảng, tình hình chính trị ổn định, kinh tế, văn hóa, xã hội phát
triển, an ninh, quốc phòng giữ vững, vị thế, uy tín quốc tế ngày càng nâng lên
trên trường quốc tế. Nhờ đó, đời sống về vật chất, tinh thần nhân dân ngày càng
cao, có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc, an ninh, an toàn.
Thế giới có nhiều đổi
thay, diễn biến phức tạp, khó lường, đan xen giữa thời cơ và thách thức, thuận
lợi và khó khăn nhưng vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong dòng chảy lịch
sử của dân tộc đã, đang và tiếp tục là lực lượng chính trị duy nhất có đủ vị
thế, năng lực, uy tín để cầm quyền, lãnh đạo. Trong quá trình đó, Đảng ta không
ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền để Đảng thật sự “là đạo đức, là
văn minh” lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới, xây
dựng, bảo vệ, phát triển đất nước theo con đường XHCN. Do đó, mọi sự xuyên tạc
về vai trò, vị trí, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam tất yếu bị bác bỏ bởi
những căn cứ cả về lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam.
Lê
Thế Cương
Nguồn:
cand.com.vn